Viết cho Aung San Suu Kyi

"Cuộc xung đột sắc tộc tại Bang Rakhine và nạn diệt chủng người Rohingya" là đề tài bài luận cuối cùng của mình ở Nhân Văn. Trong quá trình khảo cứu các nguồn tư liệu để viết bài, mình vô cùng bàng hoàng khi biết rằng bà Aung San Suu Kyi đã đồng ý cho quân đội tiến hành đàn áp người Rohingya, dẫn đến việc sau đó ít lâu bà phải ra trước Tòa án Quốc tế để trả lời các cáo buộc về nạn diệt chủng tại Myanmar.

Khi ấy, mình tự hỏi điều gì đã khiến một biểu tượng của Dân chủ và Nhân quyền lại đưa ra quyết định tàn nhẫn như vậy? Mình, cũng như rất nhiều người từng tôn vinh người phụ nữ đã đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1991, đã quay lưng lại với Aung San Suu Kyi.

Nhưng giờ đây, khi trải nghiệm cuộc sống của mình đã dày dặn hơn, mình không còn oán trách bà nữa.

Dĩ nhiên, vụ việc liên quan đến cộng đồng người Hồi giáo Rohingya sẽ mãi là vết nhơ không thể xóa nhòa trong sự nghiệp chính trị của Aung San Suu Kyi. Tuy vậy, khi đặt mình vào vị trí người phụ nữ này, mình bất giác cảm nhận được những áp lực khủng khiếp mà bà phải đối mặt để giải quyết hàng loạt vấn đề của đất nước Myanmar.

Thứ nhất, nền dân chủ tại Myanmar hoàn toàn bị "vòng kim cô" Hiến pháp 2008 siết chặt. Trong cuộc bầu cử 2015, dẫu cho Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành thắng lợi với đa số phiếu, nhưng người đứng đầu Aung San Suu Kyi không thể trở thành Tổng thống vì một điều luật nghiệt ngã nhắm thẳng vào bà. Theo đó, Hiến pháp 2008 cấm "bất kỳ người Myanmar nào có chồng và con là người nước ngoài lên làm Tổng thống". Ai cũng biết chồng và con của Aung San Suu Kyi mang quốc tịch Anh. Cùng với đó, dù NLD thắng thế trong cuộc bầu cử, 25% ghế trong Quốc Hội Myanmar vẫn thuộc về Quân đội.

Trong 5 năm qua, Quân đội nắm trong tay rất nhiều thực quyền, và tiếng nói Aung San Suu Kyi không có trọng lượng trong vấn đề An ninh Quốc gia. Một nhà lãnh đạo đất nước không được Quân đội ủng hộ, ắt hẳn sẽ bị lật đổ (đảo chính, cách mạng), chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Thứ hai, bất cứ một nhà lãnh đạo Myanmar nào cũng phải đối phó với cuộc xung đột giữa cộng đồng Phật giáo và nhóm thiểu số Hồi giáo ở Rohingya. Sự thất bại trong việc bảo vệ người Hồi giáo ở Rohingya đã khiến sự ủng hộ của công luận Quốc tế dành cho bà vơi bớt đi phần nào.

Thế nhưng, nếu ngày đó Aung San Suu Kyi không lên án những phần tử Hồi giáo cực đoan, bà sẽ chịu sự chỉ trích từ cộng đồng Phật tử chiếm gần 90% dân số Myanmar - lực lượng ủng hộ chủ yếu cho sự nghiệp chính trị của bà - vốn căm ghét và xem những người Hồi giáo ở Rohingya là ung nhọt và cần bị loại trừ ở Myanmar.

Nếu ngày đó, Aung San Suu Kyi không bảo vệ hành động "diệt chủng" người Rohingya của Quân đội Myanmar tại La Hague, hẳn nhiên Quân đội Myanmar có cái cớ để lật đổ bà ngay thời điểm ấy, thay vì phải đợi đến năm 2021. Hơn 20 năm đấu tranh trong gian khổ, trong ngục tù của bà không thể đổi lại bằng sự ra đi như thế. Nhất là, những ước vọng về "The New Burma" vẫn chưa thành.

Thứ ba, trong một bài phỏng vấn với phóng viên Bill Whitaker, Aung San Suu Kyi cho biết: "Mọi người đều muốn có một kết thúc có hậu. Họ muốn Miến Điện trở thành một ví dụ điển hình cho điều đó... Nhưng tôi luôn nói rằng bạn chẳng đạt được một thứ gì đó chỉ bằng việc muốn có nó".

Thế giới mong muốn nền dân chủ thật sự hiện diện tại Myanmar. Quân đội Myanmar lại định hướng đất nước theo mô hình "dân chủ trong khuôn khổ". Mọi hy vọng và trọng trách đè nặng lên Aung San Suu Kyi để làm vừa lòng tất cả, mà vẫn phải giải quyết bài toán xung đột sắc tộc, tôn giáo vẫn luôn tồn tại dai dẳng ở đất nước Đông Nam Á này.

Kể từ ngày làm Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà luôn xây dựng sự hòa giải và hòa hợp dân tộc. Đồng thời, tu chính Hiến pháp để thay thế cho phiên bản 2008, thứ kìm kẹp tiến trình dân chủ hóa Myanmar. Song, những lực lượng ly khai như Arakan Army (AA), Arakan Rohingya (ARSA),... với sự hậu thuẫn vũ khí, đạn dược từ bên ngoài liên tục nhũng nhiễu vùng biên giới mỗi khi Aung San Suu Kyi khởi động tiến trình mới.

Sự nhượng bộ với quân đội Myanmar của Aung San Suu Kyi dẫn đến hình ảnh lung linh của bà trong mắt công luận Quốc tế phai nhạt ít nhiều, như đã nói. Sự nhún nhường của bà với Trung Quốc - vốn không bao giờ muốn nền dân chủ hiện diện trên các quốc gia láng giềng - đã làm phật ý nhiều nhà lãnh đạo các nước phát triển. Ngay cả một bộ phận cư dân Myanmar tỏ thái độ hả hê trước sự kiện người phụ nữ này bị quân đội Myanmar đảo chính. Rốt cuộc, sau 5 năm tận lực cho đất nước, chẳng còn nhiều người đứng về phía bà nữa.

Nói cách khác, mọi người đều cần ngay kết quả, nhưng không một ai cho Aung San Suu Kyi thời gian.

Suy cho cùng, Aung San Suu Kyi là một ánh đèn hiu hắt trên cây đèn dầu Myanmar thắp lên trong màn đêm sâu hoắm. Tiến trình dân chủ hóa ở Myanmar muốn bùng cháy mạnh mẽ phải có thêm nhiều ngọn lửa nữa, thay vì chỉ chực chờ một tia sáng le lói trong nhiều thập kỷ qua dẫn lối.

Chính trị là một trò chơi nghiệt ngã. Ở đó không có tính đúng sai, cũng chẳng có chuyện "người tốt việc tốt". Chỉ trích Aung San Suu Kyi là một việc quá đơn giản, nhưng trước khi làm việc đó, hãy hiểu hơn về bối cảnh lịch sử - chính trị của đất nước Myanmar trong nhiều thập kỷ qua. Để thấy rằng, ở vị trí của Aung San Suu Kyi, có những quyết định không thể khác được.

Cuộc đảo chính của Quân đội Myanmar hôm 1/2 đã đẩy đất nước Đông Nam Á này trở lại giai đoạn 1962-2010 dưới sự kiểm soát của chế độ quân phiệt. Nếu quân đội Myanmar tiếp tục nắm quyền dưới sự hậu thuẫn từ bên ngoài. Nếu tiến trình dân chủ hóa tại Myanmar chính thức sụp đổ. Thì nhiều thập kỷ kế tiếp, thế giới sẽ lại phải ngóng chờ một Aung San Suu Kyi thứ 2, thứ 3,... thứ n để cứu rỗi đất nước đáng thương này.

Cứ thế, một vòng luẩn quẩn chẳng bao giờ có hồi kết....

Viết cho Aung San Suu Kyi, một người phụ nữ mà mình ngưỡng mộ vì tất cả những gì bà đã hy sinh và cống hiến cho đất nước Myanmar.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến