Hành Trình Di sản 6: Ánh Dương Nơi Miền Biên Viễn

 Năm 2010, cầu Hang Tôm, từng được biết đến với tên gọi “Đông Dương đệ nhất cầu” và giữ kỷ lục “cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam” cho đến khi Mỹ Thuận xuất hiện, đã kết thúc sứ mạng lịch sử của mình khi nước Đà Giang dâng lên và nhấn chìm nó xuống dưới lòng sông. Đây không những là biểu tượng cho niềm kiêu hãnh của người dân Tây Bắc, mà còn giữ vai trò kết nối các tuyến đường giao thông vận tải quan trọng giữa hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Cầu Hang Tôm cũng là “chứng nhân” cho những biến chuyển, đổi thay của hai tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ đang vật lộn để thoát khỏi sự bám riết của “nghèo đói”.

Lai Châu và Điện Biên được phân tách từ tỉnh Lai Châu (cũ) khi Nghị quyết của Quốc Hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh thành ở Việt Nam thông qua năm 2004. Mười sáu năm đã trôi qua kể từ ngày đó, Lai Châu vẫn đang là một tỉnh “đặc biệt khó khăn” ở nước ta. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Lai Châu là đoạn đường đèo Ô Quý Hồ thuộc địa phận tỉnh này (huyện Tam Đường) rất đẹp, thuận tiện cho việc di chuyển. Tuy vậy, không khó để nhận thấy sự bình lặng của cảnh vật hai bên đường, dân cư vô cùng thưa thớt, cách quãng xa mới có một vài ngôi nhà sàn truyền thống của người dân tộc Thái. Ngay đến thành phố Lai Châu cũng mới trong giai đoạn cơ bản hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, cuộc sống sung túc của người dân và bộ mặt một đô thị phát triển vẫn là khái niệm ở “thì tương lai”. Các đơn vị hành chính còn lại như Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Than Uyên v.v… đều là những huyện nghèo của cả nước và nằm ở vị trí cực kỳ khó khăn cho việc trao đổi, lưu thông hàng hóa.

Rất nhiều chỉ số về phát triển kinh tế - xã hội cũng không ủng hộ Lai Châu. Theo công bố bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, Lai Châu chỉ đứng trên Đăk Nông trong 63 tỉnh thành với mức điểm tương đối thấp (58.33). Trong báo cáo về xếp hạng mức độ nghèo của các tỉnh thành phố năm 2017, dẫu cho tổng số hộ nghèo, cận nghèo ở Lai Châu lần lượt là 36.094 (xếp hạng 28) và 8982 (xếp hạng 53), nhưng tỉ lệ hộ nghèo lại xếp hạng 4 (40.4%) còn tỉ lệ hộ cận nghèo nằm trong top 10 (10.05%). Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên đầu người năm 2018 ở Lai Châu là 1433 USD/người/năm, chỉ bằng một nửa con số trung bình của nước ta (2961 USD/người/năm).

“Người anh em” của Lai Châu là Điện Biên cũng chẳng khá khẩm hơn. Thậm chí, trong một vài số liệu thì Điện Biên còn đứng dưới cả Lai Châu: Điện Biên là tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước năm 2017 (48.14%), tổng số hộ nghèo của tỉnh là 57.214 (xếp hạng 10), GRDP trên đầu người năm 2018 đạt 1186 USD/người/năm, chỉ hơn hai địa phương "đội sổ" Cao Bằng và Hà Giang.  

Tuy bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội của Lai Châu và Điện Biên phần nhiều đang phủ gam màu trầm lắng, nhưng đâu đó vẫn le lói những tín hiệu tích cực. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lai Châu đạt mức 7.22%, với Điện Biên là 7.15%. Cơ cấu khu vực kinh tế của hai tỉnh này đang có sự chuyển dịch: giảm tỉ trọng khu vực nông nghiệp và tăng tỉ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Lai Châu, Điện Biên thích hợp trồng những loại cây “chủ lực” của Tây Bắc như: mắc-ca, chè Shan Tuyết, cao su, đậu tương v.v… 

Nguồn tài nguyên khoáng sản của hai địa phương này cũng vô cùng dồi dào với nhiều mỏ quặng kim loại màu (đồng, chì, kẽm, vàng...), đất hiếm (Phong Thổ - Lai Châu), đá vôi v.v…, song lại chưa được khai thác hợp lý. Đặc điểm địa hình nhiều đồi núi, nhiều con sông có độ dốc cao, lưu lượng dòng chảy lớn tạo điều kiện cho việc xây dựng thủy điện, qua đó tận dụng thủy năng cho nhu cầu về sản xuất là một trong những hướng phát triển hiện nay và trong tương lai ở Điện Biên, Lai Châu. Dù vậy, nếu phải chỉ ra tiềm năng lớn nhất của hai tỉnh vùng cao này, đó chỉ có thể là dịch vụ du lịch.

Trước đây, khi nhắc về du lịch Tây Bắc, đại bộ phận người dân chỉ nhận diện được thị trấn Sa Pa (Lào Cai) nổi tiếng. Trong khoảng mười năm trở lại, Mộc Châu (Hòa Bình) trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước. Dạo gần đây, Hà Giang nổi lên với sự hùng vĩ và tráng lệ của những dãy núi, cao nguyên đá là kết quả của quá trình kiến tạo địa chất trong hàng triệu năm. Nhưng tôi tin rằng, Lai Châu, Điện Biên sẽ nắm giữ tương lai của du lịch Việt Nam vì những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, thành phố Điện Biên Phủ đang trở thành "đầu tàu" và động lực phát triển của ngành du lịch tỉnh Điện Biên với trọng điểm là cụm di tích lịch sử Điện Biên Phủ bao gồm hệ thống cứ điểm (đồi Him Lam, đồi A1, đồi D1,..), hầm De Castries, bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ v.v... Với tốc độ phát triển như hiện nay, trong tương lai không xa Điện Biên Phủ sẽ trở thành trung tâm kinh tế - thương mại quan trọng bậc nhất khu vực biên giới phía Bắc. 

Thứ hai, Điện Biên và Lai Châu có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Đơn cử như vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đoạn thị xã Mường Lay (Điện Biên) đang trở thành một điểm đến tiềm năng của rất nhiều khách du lịch. Điều thú vị là lòng hồ thủy điện này đang mang trong mình những vết tích của Mường Lay (cũ) sau khi đô thị này nằm dưới đáy Đà Giang mãi mãi. Bên cạnh đó, Điện Biên còn có Hồ Pá Khoang (huyện Điện Biên) - được mệnh danh là "viên ngọc" giữa đại ngàn, thích hợp cho các hoạt động nghỉ dưỡng... Hồ Huổi Phạ nằm ở ngoại ô thành phố Điện Biên Phủ là nơi hợp lưu của hai con suối Tắc Pạ và Thẩm Mây, do vậy màu nước của hồ sẽ thay đổi theo từng thời điểm trong ngày. Không sở hữu nhiều hồ nước đẹp như Điện Biên (trừ vùng lòng hồ thủy điện Lai Châu), thay vào đó Lai Châu được thiên nhiên ban tặng cho cao nguyên Sìn Hồ (độ cao 1500m trên mực nước biển) có điều kiện khí hậu nhiều nét tương đồng với Sa Pa.

Thứ ba, tìm về những giá trị nguyên bản đang dần trở thành xu thế chủ đạo của du lịch Việt Nam. Trong bối cảnh Sa Pa và Mộc Châu đang chịu ảnh hưởng của du lịch hóa nặng nề, bị bê-tông hóa thành những "đô thị đồng bằng" giữa núi rừng Tây Bắc; Hà Giang sẽ tấp nập khách du lịch, ít nhiều đánh mất nét mộc mạc, hoang sơ trong tương lai gần; thì Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử hay cột mốc số 0 ở A Pa Chải nổi lên như ứng viên tiềm tàng cho các cuộc hành trình mang màu sắc khám phá, xóa bỏ giới hạn bản thân của những người yêu thích chủ nghĩa xê dịch. Ngoài ra, Lai Châu và Điện Biên là địa bàn cư trú của rất nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có những nhóm người chỉ sinh sống ở hai địa phương này (La Hủ, Mảng Ư, Si La, Cống). Sự đa dạng và đặc thù trong thiết chế văn hóa xã hội truyền thống các tộc người thiểu số trở thành điểm nhấn nổi bật của hoạt động du lịch cộng đồng.

Thứ tư, sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hứa hẹn tạo nên sức bật cho ngành du lịch của Điện Biên, Lai Châu. Hiện nay, Lai Châu đang được kết nối với các trung tâm du lịch lớn như: thành phố Hà Nội (quốc lộ 32), thị xã Sa Pa (quốc lộ 4D), thành phố Điện Biên Phủ (quốc lộ 12). Với Điện Biên, quốc lộ 6 là tuyến đường giao thông quan trọng giữa tỉnh vùng cao này với thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Cảng hàng không Điện Biên Phủ (sân bay Mường Thanh) tuy chưa thể khai thác đường bay đến các thành phố lớn ở phía Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM vì điều kiện thời tiết không thuận lợi của Điện Biên và cơ sở vật chất chưa đảm bảo, nhưng nó mở ra nhiều hướng phát triển mới cho tỉnh vùng cao này. 

Thứ năm, Lai Châu, Điện Biên có chung đường biên giới đất liền với Trung Quốc (hơn 300 Km) và Lào (khoảng 360 Km) tạo tiền đề cho hoạt động giao lưu thương mại, trao đổi hàng hóa, đồng thời thúc đẩy sự phát triển dịch vụ du lịch tại các khu kinh tế cửa khẩu như Tây Trang, Ma Lù Thàng, A Pa Chải...

Trong cuộc hành trình vừa qua, con đường vàng rực dã quỳ ở Lai Châu, Điện Biên là một trong những hình ảnh để lại ấn tượng đậm nét trong tôi. Mặc dù dã quỳ chỉ là một loài hoa dại mọc ven đường, nhưng sự vươn mình khoe sắc giữa thiên nhiên khắc nghiệt Tây Bắc không thể thôi khiến lòng người rung động. Thiết nghĩ, nếu Cầu Hang Tôm đại diện cho giai đoạn khó khăn của Lai Châu, Điện Biên trong quá khứ, thì hoa dã quỳ lại là biểu trưng của khát vọng thoát nghèo và mang theo niềm tin về một tương lai phát triển dựa trên những tiềm năng sẵn có của hai địa phương miền biên viễn.

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến