Hành Trình Di sản 6: Vấn Nạn Con Người Và Những Khối Bê-Tông Vô Tri

Ngày 31/08/1858, thực dân Pháp chính thức tiến hành công cuộc xâm chiếm Việt Nam với sự kiện tấn công Đà Nẵng. Cho đến khi những toán lính Pháp cuối cùng xuống tàu tại bến Nghiêng (Hải Phòng) thì người Pháp đã hiện diện trên mảnh đất hình chữ S gần 100 năm. Trong gần một thế kỉ, bên cạnh những hậu quả nghiêm trọng, các chính sách thuộc địa của người Pháp đã để lại một hệ thống di sản cho cư dân đất Việt: sự phát triển đường sá, cầu cống kết nối các thành phố lớn với nhau tạo nên sức bật về kinh tế, sự xâm nhập và phát triển của nền khoa học – giáo dục – y tế phương Tây,…

Trong đó, nổi bật nhất chính là những Di sản đô thị thời Pháp thuộc với sự kết hợp hài hòa giữa mô thức quy hoạch hiện đại với các kết cấu kiến trúc truyền thống. Hà Nội và Sài Gòn có lẽ là hai “tác phẩm nghệ thuật” tuyệt mĩ nhất của người Pháp tại xứ Đông Dương. Nhưng để cảm nhận rõ nét bàn tay tài hoa của các “nghệ nhân” Tây phương, Sa Pa và Đà Lạt chưa khi nào thôi khiến du khách phải trầm trồ.

Đà Lạt mới chỉ 126 tuổi, là một đô thị còn rất trẻ nếu đem “đặt lên bàn cân” cùng với Hà Nội và Sài Gòn. Trong giai đoạn 1915 – 1945, không gian quy hoạch kiến trúc và cảnh quan của đô thị này được kiến tạo bởi các kiến trúc sư, quy hoạch sư hàng đầu nước Pháp lúc bấy giờ. Khi người Pháp rời khỏi Việt Nam, họ đã để lại cho Đà Lạt một hồ Xuân Hương thơ mộng – trái tim của đô thị; Nhà ga xe lửa độc đáo cùng tuyến đường sắt răng cưa độc đáo (Đà Lạt – Phan Rang); hệ thống nhà thờ, chủng viện; hơn 1500 tòa biệt thự xinh đẹp mang phong cách kiến trúc của miền Bắc nước Pháp… (1)

Sau đó, Đà Lạt tiếp tục là niềm cảm hứng và mang theo giấc mơ về một đô-thị lí-tưởng của các thế hệ kiến trúc sư tài năng nhất miền Nam thập niên 50, 60 thế kỷ XX. Bằng tài năng và tâm huyết với Đà Lạt, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và những người đồng nghiệp đã tạo nên các công trình mang hơi thở của thời đại như Chợ Đà Lạt (khu Hòa Bình), Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt,… nhưng tuyệt nhiên không làm mất đi vẻ đẹp dịu dàng, nét duyên dáng của đô thị này. (2)

Buồn thay, Đà Lạt ngày hôm nay đang đánh mất bản sắc, hệ giá trị mà các thế hệ trước đã dày công gìn giữ. Trong đề án quy hoạch Đà Lạt mới tầm nhìn 2050, ý tưởng chủ đạo là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Thế nhưng, chính quyền và những người làm quy hoạch ở Đà Lạt mới chỉ làm tốt vế thứ nhất.

Những con số không biết nói dối. Năm 1978, Đà Lạt có 30 nghìn ha rừng thông, hiện nay còn chưa đến 14 nghìn ha, nghĩa là hơn 40 năm qua diện tích rừng thông của Đà Lạt giảm đi một nửa. Ngày 20/04/2016, theo Trung tâm khí tượng thủy văn Lâm Đồng, các trạm quan trắc đã ghi nhận nhiệt độ ngoài trời vào lúc 13 giờ ở Đà Lạt đạt mức 30,5 độ C, một kỉ lục thật đáng buồn. Giờ đây, mỗi khi một cơn mưa rào bất chợt ấp đến, cảnh tượng Đà Lạt ngập trong biển nước chẳng hiếm gặp nữa. Và, Đà Lạt không còn nơi  “… chúng mình tìm phút êm đềm” như nhạc sĩ Lam Phương đã từng gợi tác trong tuyệt phẩm “Thành phố Buồn”.


Tại sao Đà Lạt lại ra nông nỗi này?

Thứ nhất, như đã đề cập ở trên diện tích “mảng xanh” của Đà Lạt đã bị thu hẹp đáng kể để nhường chỗ cho các dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn, quán café,…

Thứ hai, sự hạn chế trong tầm nhìn quy hoạch đã khiến Đà Lạt phát triển chệch hướng bản sắc vốn có của đô thị này. Đơn cử như mật độ xây dựng ở khu trung tâm Hòa Bình vốn đã rất dày đặc, nhưng các tòa nhà cao tầng vẫn mọc lên vô-tội-vạ. Những con đường như Nguyễn Chí Thanh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phan Bội Châu,… có hàng trăm khách sạn, nhà nghỉ, song lại phát triển tự phát mà không có định hướng về thiết kế, quy hoạch cảnh quan. Bên cạnh đó, trong dự án quy hoạch Đà Lạt cũng xóa bỏ sự tồn tại của Dinh Tỉnh Trưởng – công trình gắn liền với những nốt thăng trầm của Đà Lạt, thay vào đó là một trung tâm thương mại hoàn toàn tách biệt với linh hồn của “thành phố buồn”.

“Giá trị cốt lõi của Đà Lạt không phải là công trình, mà là thiên nhiên”, theo lời Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. (3)

Thứ ba, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ chóng mặt của nhà kính – “con nhộng màu trắng” theo cách gọi của tôi – là một trong những nguyên nhân dẫn đến nền nhiệt độ của Đà Lạt không ngừng tăng trong nhiều năm qua. Với khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng của Đà Lạt thì hoạt động sản xuất nông nghiệp trong nhà kính là điều không cần thiết, hoàn toàn có thể thay thế bằng mô hình vườn truyền thống.

Cuối cùng, việc không quản lý chặt lẽ lương khách du lịch khiến nhiều thời điểm trong năm, Đà Lạt bị “quá tải”. Hiện nay, tình trạng kẹt xe, tắc đường tại các tuyến phố trung tâm hay một số con đường dẫn đến khu du lịch thường xuyên xảy ra ở Đà Lạt. Lợi ích về kinh tế tất nhiên là một nhu cầu bức thiết trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nếu không sớm có giải pháp cải thiện tình hình, một “Đà Lạt mộng mơ” chỉ còn trong hoài niệm của những người trót yêu đô thị này.

Tấn-bi-kịch của Đà Lạt cũng chính là vấn nạn mà Sa Pa đang phải đối mặt. Sa Pa của “ngày hôm qua” là một thị trấn du lịch thanh bình, tĩnh lặng. Hình ảnh những thửa ruộng bậc thoang thoảng mùi lúa chín dưới thung lũng Mường Hoa, vài áng mây lững thưỡng lưới ngang qua đỉnh Fansipan, nhà thờ đá chìm trong lớp màn sương khói, người phụ nữ mang chiếc gùi ngô nặng trĩu trên lưng… ắt hẳn vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều du khách.

“Ngày hôm nay” Sa Pa đã hiện đại hơn, mang hơi thở của “đồng bằng” hơn và để lại niềm luyến tiếc nhiều hơn. Những khối bê-tông mọc lên chi chít bóp nghẹt không gian sống của những cư dân Sa Pa. Các khu phố biệt thự cổ thời Pháp không được trùng tu tôn tạo, giờ chỉ làm “bạn” với rêu xanh. Rất nhiều đồi cây xanh cũng bị gạt bỏ để xây dựng nhà cửa, khách sạn,… hoàn toàn vắn bóng những địa điểm có thể phóng tầm mắt nhìn toàn vẹn khung cảnh núi rừng như xưa. Đường về bản Cát Cát, Tả Phìn, Tả Van,… giờ đây chỉ còn là sự tranh đua, rượt đuổi của các tài xế taxi, chẳng mấy người còn để tâm đến nhu cầu đi lại chính đáng của cư dân bản địa trên con đường nhỏ hẹp thân quen. Hầu hết khu-đất-vàng bị tập đoàn Sun Group thâu tóm triệu để nhằm triển khai các đại dự án, mặc cho nó không hề liên kết với “ngôn ngữ kiến trúc cảnh quan” của thị trấn. (4)


Sa Pa hôm nay là một thị trấn quy hoạch lộn xộn, thiếu kiểm soát trong vấn đề quản lý khách du lịch, dân nhập cư, và bị “cày nát” bởi những khối bê-tông vô tri. Sa Pa hôm nay là một đại-công-trường giữa núi rừng Tây Bắc.

Mối lương duyên giữa tôi với Đà Lạt và Sa Pa có nhiều điểm trùng hợp thật thú vị. Năm 2016, tôi lần đầu đặt chân đến Đà Lạt và Sa Pa. Ba năm sau, tôi có cơ hội trở lại hai tuyệt tác của người Pháp với những góc nhìn, trải nghiệm mới. Tiếc rằng, phần nhiều lại mang sắc thái u buồn.

Nếu để “vấn nạn con người”, “những khối bê-tông vô tri” tiếp tục hủy hoại Đà Lạt và Sa Pa, tôi và các bạn phải cắn rứt lương tâm vì đã không gìn giữ di sản quý báu tiền nhân để lại. Đồng thời, chúng ta nên chịu trách nhiệm trước lịch sử vì làm mất đi kho tàng nghệ thuật vô giá cho các thế hệ mai sau của dân tộc Việt Nam.

Bài viết đã sử dụng tư liệu từ các nguồn dưới đây:

https://dalat24h.vn/kien-truc-da-lat-nhung-di-san-cua-nguoi-phap/?fbclid=IwAR0MVeuIyBITHSnJZYikjTJ8D0YLd3un0SyMcRosAw_dLZqoP6qUlp7lKx0 (1)

https://tuoitre.vn/da-lat-va-luong-tam-cua-mot-the-he-kien-truc-20190331094839968.htm?fbclid=IwAR1xcYSxCyDamd3xKkADgT2mtBhr1OjbeVIfjkr7srNwsBK7bXaLr6lZRA0 (2)

https://vnexpress.net/be-tong-hoa-da-lat-3910934.html (3)

https://nguoidothi.net.vn/sapa-thay-du-an-khong-thay-giang-son-12525.html?fbclid=IwAR3AxMOVn2GBVTGC4sECFz04VyB4BurChWglv4qlHJTzd1DXdYi3Azt8Bm8 (4)


 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến