Nhân Vật Thể Thao: Quả Bóng Vàng Cho Sự Hy Sinh

31/08/2004, Wayne Rooney gia nhập Manchester United từ Everton với giá chuyển nhượng 27 triệu Bảng – một kỷ lục đối với cầu thủ tuổi teen lúc bấy giờ. Ngày Rooney kí hợp đồng với Quỷ đỏ, Sir Alex hân hoan phát biểu rằng đội bóng của ông đã có cầu thủ trẻ xuất sắc nhất nước Anh trong 30 năm qua. Dù cho Rooney đã bộc lộ những tố chất ngôi sao trong những năm tháng khoác áo Everton, đặc biệt với tuyệt phẩm vào lưới Arsenal, nhưng chẳng mấy ai tin vào lời của vị huấn luyện viên lão luyện người Scotland. Nước Anh đã sản sinh ra rất nhiều lứa cầu thủ tiềm năng, nhưng rồi chẳng mấy người tỏa sáng đúng như sự kì vọng. Và có lẽ Rooney sẽ không phải là ngoại lệ.

28/09/2004, Rooney có màn ra mắt Champions League trong trận đấu giữa Manchester United và Fenerbahce. Đó là một đêm huyền diệu đối với những người hâm mộ Quỷ đỏ. Họ ngây ngất trong men say chiến thắng của đội nhà. Nhưng trên tất cả, các Manucians đã nhìn thấy bóng dáng của một con Quỷ đầu đàn – người sẽ đưa đội bóng con cưng của họ đến với kỷ nguyên chiến thắng mới trong cậu bé 18 tuổi người Anh này.


Kể từ buổi tối hôm ấy, Rooney vẫn đều đặn ghi bàn và những chiếc cúp cứ lần lượt xuất hiện trong phòng truyền thống của Manchester United. Một kỷ nguyên chiến thắng mới đã mở ra với Quỷ đỏ thành Manchester. Nhưng trong thành công của một đội bóng luôn cần sự hy sinh thầm lặng của một vài cá nhân. Nghiệt ngã làm sao, Rooney là người phải hy sinh nhiều nhất.

Wayne Rooney đến với Manchester United khi đội bóng này đang sở hữu một hàng công đáng sợ với ba cái tên: Ruud Van Nistelrooy, Louis Saha và Alan Smith. Lúc này, Manchester United đang chơi với sơ đồ 2 tiền đạo, thậm chí đôi lúc chỉ có một người nên cuộc cạnh tranh giành suất đá chính là vô cùng khốc liệt. Có điều, cả bốn tiền đạo của Sir Alex đều có lối chơi giống nhau, sở trường là khả năng săn bàn nhưng không mạnh về kiến tạo cơ hội cho đồng đội. Một hàng công “thượng hạng”, nhưng chỉ mạnh trên lý thuyết nếu Sir Alex không có phương án giải quyết thỏa đáng. Và trong hoàn cảnh đó, “Ông già gân” đành kéo Rooney về chơi như một hộ công cho Van Nistelrooy.

Mùa hè năm 2007, Ruud Van Nistelrooy chuyển đến đội bóng hoàng gia Real Madrid. Louis Saha trở thành đối tác mới của Rooney trên hàng công của Manchester United. Khi Saha rời quỷ đỏ thành Manchester và chuyển sang chơi cho đội chủ sân Goodison Park, Rooney lại tiếp tục “làm bóng” cho … Cristiano Ronaldo. Là một tiền đạo săn bàn bẩm sinh, Rooney đã phải hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung của đội bóng. Nhiều người đùa vui rằng, Rooney trong giai đoạn này giống như một vị quan đại thần trung thành, phục vụ hết từ đời vua này đến đời vua khác mà không chút oán than, dù vị đại quan này có thừa khả năng để lật đổ ngai vàng và tiếm lấy quyền vị.

Thế rồi cái ngày Rooney “bước ra ánh sáng” và trở thành “kép chính” của Manchester United cũng đã tới. Mùa hè năm 2009, Cristiano Ronaldo đi theo tiếng gọi của “trái tim” để chuyển sang chơi cho đội chủ sân Santiago Bernabeu. Thời điểm ấy, báo giới trong nước và ngoài nước lập những danh sách dài dằng dặc với những cái tên “khủng” để thay thế cho CR7. Thế rồi tất cả đã ngã ngửa khi Sir Alex đưa về Old Trafford một cái tên lạ hoắc và hoàn toàn vô danh trên bản đồ bóng đá thế giới, Antonio Valencia.

“Hãy cho Valencia một quả bóng, anh ta sẽ chuyền như đặt để Rooney đánh đầu ghi bàn”. Với sự hỗ trợ không biết mệt mỏi của “máy chạy” người Ecuador, Rooney đã có mùa giải bùng nổ nhất kể từ khi khoác áo Manchester United. Được Sir Alex tin tưởng trao cho vị trí chủ công của Quỷ đỏ thành Manchester, Rooney đã không làm cho ông thầy mình phải thất vọng. Nhưng một lần nữa định mệnh lại trêu ngươi Wayne Rooney. Khi đang sung sức nhất, và đội bóng của anh đang trong giai đoạn quyết định của mùa giải thì Rooney lại dính chấn thương nặng. Mặc dù đã rất nỗ lực để sớm trở lại, nhưng chàng hói cũng không thể giúp Manchester United có thể đi tiếp tại Champions League (thua Bayern Munich), và sau đó Quỷ đỏ cũng hụt hơi trước Chelsea trong cuộc đua giành ngai vàng giải Ngoại hạng Anh.

Ở những mùa giải kế tiếp, tuy tiếp tục phải “làm nền” cho những tiền đạo khác như Van Persie, Falcao hay Ibrahimovic, thậm chí có thời điểm còn bị kéo về đá như một tiền vệ, nhưng Rooney vẫn có những phút giây tỏa sáng rực rỡ mà điển hình là siêu phẩm “xe đạp chổng ngược” trong trận đấu với “gã hàng xóm ồn ào” vào mùa giải 2010-2011.


Ngày 21/01/2017, với siêu phẩm đá phạt làm tung lưới Stoke City, Rooney chính thức vượt qua Sir Bobby Charlton để bước vào ngôi đền giành cho những huyền thoại của Manchester United với tư cách là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho câu lạc bộ.

Tôi là một người yêu Quỷ đỏ thành Manchester, nhưng chẳng phải là người hâm mộ Wayne Rooney. Wayne Rooney trong tôi đã “chết” từ cái ngày anh dùng dằng muốn rời Manchester United để chuyển sang một câu lạc bộ mới giàu “tham vọng” hơn, và cũng giàu “tiền bạc” hơn. Tuy vậy, nếu có danh hiệu quả bóng vàng cho sự hy sinh cao cả trong bóng đá hiện đại, tôi sẽ chẳng may may suy nghĩ mà trao nó cho Rooney. Có thể bạn sẽ đưa ra vài cái tên khác xứng đáng hơn như Xavi hay Paul Scholes, nhưng cả hai cái tên đó đều được chơi vị trí yêu thích trong suốt sự nghiệp của mình và đạt đến đúng đẳng cấp vốn có. Còn với Wayne Rooney, nếu như ngày đó anh không chọn Manchester United mà chọn một đội bóng khác lấy anh làm trung tâm, nếu như ngày đó anh không “cam chịu” và chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân quá nhiều vì tập thể Manchester United, thì có lẽ giờ đây sự nghiệp của chàng hói đã khác, rất khác rồi.



21/05/2017, đó có thể là lần cuối cùng những người hâm mộ túc cầu giáo được thấy Wayne Rooney khoác lên mình chiếc áo đỏ và cháy hết mình tại Nhà hát của những giấc mơ.
Manchester United nợ anh một lời cảm ơn, và một lời xin lỗi.

Tạm biệt anh, một huyền thoại sống của Manchester United, một tấm gương của sự hy sinh vĩ đại, Wayne Rooney.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến