Hành Trình Di sản 3: Thương Nhớ Miền Trung

Bố ơi! Mình đi đâu thế?

Trịnh Quốc Khánh, sinh ngày 15/05/1995, giới tính Nam. Địa chỉ thường trú: Hóc Môn, TpHCM. Hiện đang là sinh viên năm 5 Đại học Y-Dược TpHCM

Đỗ Thị Hồng Hạnh, sinh ngày 25/03/1996, giới tính Nữ. Địa chỉ thường trú: Sông Cầu, Phú Yên. Hiện đang là sinh viên năm 4 Đại học Y Huế.



Qua một vài thông tin cá nhân trên, có thể dễ dàng nhận ra hai con người này rất ít, nếu không muốn nói là chẳng có điểm chung nào cả, ngoại trừ cùng đang học trong trường Y. Tuổi tác cũng không hơn kém nhau là bao, đứa tuổi Hợi, đứa cầm tinh con Chuột nhắt. Ấy vậy mà Hạnh và Khánh lại có cách thức xưng hô nếu người ngoài nhìn vào ắt sẽ có suy nghĩ:

“Hai đứa này dở người à?”

Còn những ai chơi thân khi nghe hai con người này nói chuyện lại có sự đồng cảm:

 “Vâng! Bọn nó dở người thật đấy ạ!”

Hai đứa hay gọi nhau tình-thương-mến-thương là: “Ba” và “Con”.

Trên thực tế, “Ba” và “Con” chỉ là cấp độ 1 trong hệ thống từ ngữ giao tiếp do Hạnh và Khánh sáng tạo nên. Trong các tình huống cụ thể, với những đối tượng nhất định, cách thức xưng hô của hai đứa sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp. Ngoài hình thức xưng hô “Ba” và “Con”, hai đứa còn muôn vàn cách thức gọi nhau thân mật khác, đỉnh điểm có lẽ là “Hạnh yêu” và “Cún yêu”. Xin đừng nghĩ chệch đi theo hệ quy chiếu thông thường. Hai đứa rất quý mến và yêu thương nhau, nhưng cách xưng hô trên không phải là tình yêu nam-nữ. Đó là một thứ tình cảm đặc biệt mà mình không còn thấy nhiều trong xã hội này, rất đẹp và trong sáng.

Tuy rất trân trọng tình cảm thiêng liêng giữa “Ba Con nhà Cún”, nhưng mình vẫn không thể tránh khỏi những phút giây nhăn mặt hay lắc đầu ngao ngán trước những câu thể hiện thứ tình cảm ướt át, ủy mị và rất đáng lên án của hai đứa, nhất là khi trong phòng chỉ có ba người. Thế rồi nghe riết cũng quen. Quen dần thì dẫn đến bị “nghiện”.

Mà “nghiện” nặng nhất có lẽ là câu “chào buổi sáng” của Hạnh nói với “Cún” Khánh:

 “Bố ơi! Mình đi đâu thế?”


Nỗi lòng người xứ Quảng

"Xứ Quảng" là từ thường được dùng để nói về hai địa phương Quảng Nam và Quảng Ngãi. Nhưng trong giới hạn bài viết này, "Xứ Quảng" đồng nghĩa với tỉnh Quảng Ngãi.

Cách đây không lâu, mình có đọc một bài viết khá hay trên các kênh thông tin trực tuyến. Nội dung chính của bài viết là nói đến một nghịch lý kì lạ đang tồn tại ở Sài Gòn. Thay vì đi qua cầu Hoàng Hoa Thám, một cây cầu mới, đẹp và rộng rãi kết nối Quận 1 với các Quận Bình Thạnh và Phú Nhuận, đa phần người dân lại lựa chọn việc di chuyển qua “người anh em song song” với nó tên là Trần Khánh Dư. Điều này thật sự kì lạ. Vì cầu sắt Trần Khánh Dư nhỏ hẹp, người dân phải chen chúc rất quyết liệt để “đặt chỗ đứng”, thậm chí phải chờ đến hai đèn đỏ mới có thể di chuyển sang phía bên kia cầu. Câu trả lời của rất nhiều người dân để lí giải cho hiện tượng lạ, nhưng không hiếm trên là: “Quen rồi”. 

Chính xác là vậy. Người Việt, và nhiều dân tộc khác nữa, khi có một thói quen được thực hiện từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này sang tháng khác, từ năm này sang năm khác thì dần hình thành một phản xạ không điều kiện. Vì lẽ đó, dù một thời gian sau đã có dải phân cách “chặn” việc đi thẳng từ đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) lên cầu Trần Khánh Dư, nhưng vẫn không ngăn được những người dân “cố chấp” đi xa thêm một tẹo rồi quay ngược đầu xe rẽ sang cây cầu này. Và thế là, cầu Hoàng Hoa Thám vẫn hiu quạnh bóng người dù cơ quan chức năng đã dùng mọi biện pháp có thể.

Nghịch lý hai cây cầu song song ở Sài Gòn có rất nhiều điểm tương đồng với một thói quen khó sửa của người dân xứ Quảng quê mình. Chuyện là, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Ngãi đã lên “thành phố” hơn một thập kỷ (chính xác là năm 2005). Thế nhưng, nếu bạn hỏi những người dân quê sinh sống ở các huyện lân cận Thành phố, đại bộ phận người dân vẫn gọi đơn vị hành chính này là “Thị Xã Quảng Ngãi”. Chẳng phải họ không biết. Câu trả lời để giải thích cho cách gọi này vẫn là: “Quen rồi”. Một thực tế là, từ lúc được “thăng cấp” lên thành phố, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Ngãi không thay đổi là bao. Vì lẽ đó, những người dân quê cũng chẳng buồn sửa cách gọi thân quen đã dùng từ bao lâu nay.

Ẩn sau câu chuyện về danh xưng “thành phố hay thị xã” là tốc độ phát triển rất đáng báo động của tỉnh lỵ tỉnh Quảng Ngãi. Hè rồi, trong ngày đặt chân trở về quê hương, mình đã có một cuộc nói chuyện ngắn với chú – ông chủ hiệu kính Vĩnh Long. 

Chú hỏi mình có thấy Thị xã Quảng Ngãi “thay da đổi thịt” gì không? Mình trả lời rằng đã quá lâu rồi chẳng ra TP.Quảng Ngãi (quê mình cách thành phố gần 20 Km) nên không chắc lắm. “Bao năm qua nó vẫn vậy. Chục năm trước nó phát triển hơn Tam Kỳ rất xa, vậy mà giờ đây cả hai cứ như những cậu học trò học mãi chẳng chịu lên lớp”, chú trầm ngâm. Sau khi chú dứt lời, hai chú cháu im lặng, bầu không khí cũng vì thế mà chùng xuống. Chú vẫn rít thuốc, chốc chốc lại nhả khói như để vơi những nỗi muộn phiền với mảnh đất quê hương.

“Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Câu chuyện về tốc độ phát triển ì ạch của thành phố Quảng Ngãi đã, đang và sẽ tiếp tục là dấu hỏi cần lời giải đáp thỏa đáng. 

Nhưng ai sẽ trả lời câu hỏi này giúp người dân Quảng Ngãi đây? Ông Trời chăng?

Một Bữa No

Mình vẫn nhớ một câu rất nổi tiếng trong truyện ngắn “Một bữa no” của nhà văn Nam Cao: “Người ta đói đến đâu cũng không thể chết, nhưng no một bữa là đủ chết”. Kể từ ngày đọc tác phẩm đó, mình hay sợ “ăn no”.  

Kể từ ngày đọc tác phẩm đó, mình lại có thêm một lý do để biếng ăn, dù cho người thì gầy như que tăm nhang – theo như lời của Mẹ.

Gợi lại một kỷ niệm vui trong quá khứ để nhắc về một kỷ niệm “dở khóc dở cười” ở thực tại. Chuyện là, trong cuộc hành trình vừa qua, chúng mình đã ghé thăm nhà một số người bạn. Theo truyền thống của dân tộc Việt Nam, khi “bạn đến chơi nhà” thì gia chủ phải nhiệt tình tiếp đón. Sự đối đãi nhiệt tình và nồng hậu của gia đình bạn vừa khiến cho chúng mình khó xử vì ngại ngùng, đồng thời cũng làm cho kích thước dạ dày đứa nào đứa nấy tăng lên đáng kể. Ngoài bữa ăn chính, còn có bữa ăn thứ chính, bữa ăn phụ, thậm chí có cả bữa ăn … quần chúng “vì nhìn bọn con gầy đi nhiều quá”. 

Trong một số khoảnh khắc, mình thề là cái dạ dày đã “ra lệnh” cho não bộ không được tiếp nhận thêm đồ ăn nữa, nhưng cái tay thì vẫn phải bốc liên hồi để không làm phật ý gia chủ.Nói vui vậy thôi. Giờ này nghĩ lại, nếu như sau khi chinh phục Mũi Đôi chúng mình không đến nhà của Hạnh, thì có lẽ cuộc hành trình chỉ có thể dừng lại ở TP. Đà Nẵng. Vậy nên, mình cảm thấy rất may mắn vì nhận được sự tiếp sức của các gia đình bạn để chúng mình có thể hoàn thành trọn vẹn cuộc hành trình này. Một lời cảm ơn là không đủ để nói lên tấm lòng biết ơn của mình và hai người bạn đồng hành dành cho Ba và Mẹ của Thảo, Mẹ và Bà của Hạ My, nhất là người cha cực kỳ của tâm lý và người mẹ đầy tình thương yêu con của “công chúa” Hồng Hạnh.

Một bữa no. Một món nợ ân tình không thể trả hết.

Một Mình

Mình không thích đi du lịch một mình. Nhưng lạ thay, trong các cuộc hành trình với nhóm bạn thân, mình lại rất hay chuồn đi mỗi khi cơ hội để tự khám phá một vùng đất mới, một góc nhìn mới theo cách riêng của bản thân.Trong dự án “Hành trình Di sản” số 3: Thương Nhớ Miền Trung, mình đã thực hiện điều này khá nhiều lần.

Lần đầu tiên là đi chụp để đón bình minh tại cảng cá Phan Thiết. Lần thứ hai, mình loanh quanh Thành phố Nha Trang để tìm đến nhà sách trên đường 19/8 chỉ còn loáng thoáng đâu đó trong tiềm thức.

Lần thứ ba, là chạy lên đỉnh Bàn Cờ để ngắm nhìn toàn cảnh TP. Đà Nẵng. Đây là một trong những quyết định sáng suốt nhất đối với cá nhân mình trong cuộc hành trình vừa qua, nhưng với “Giấc mơ Thái Lan” (Dream Thái) – bạn đồng hành của mình thì đây là một sự bóc lột sức lao động thậm tệ. Con đường lên đỉnh Bàn Cờ đa phần là những đoạn quanh co, khúc khuỷu, chưa kể những con dốc dựng đứng khiến mình phải rồ ga hết cỡ mới có thể vượt qua. Đã vậy, thay vì trở về trung tâm thành phốbằng đường nhựa mới tinh, phẳng lì thì mình lại chọn quay trở lại con-đường-năm-xưa. Và thế là “Giấc mơ Thái Lan” trải qua cơn ác mộng kinh hoàng nhất kể từ ngày cậu được lắp ráp và đưa vào sử dụng, mình tin chắc như vậy.


Lần thứ tư, mình tản bộ trong Kinh Thành Huế vào buổi tối – điều bản thân đã ấp ủ từ bấy lâu nay. Dĩ nhiên, mình cũng đã đánh đổi không ít khi thực hiện chuyến thăm Đại Nội vào khoảng thời gian này. Sẽ không thể cúi mình và thắp nén nhang cho ngài Nguyễn Kim tại Triệu Tổ Miếu, cho ngài Nguyễn Phúc Luân tại Hưng Miếu, cho 13 đức vua vương triều Nguyễn và không được tham quan Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Thế nhưng, mình lại có những trải nghiệm mới vô cùng thú vị như xem múa võ cung đình ngay trước thềm Điện Thái Hòa, được thưởng thức múa Bát Tiên Hiến Thọ tại Duyệt Thị Đường – Nhà hát cổ nhất của Việt Nam hay chăm chú lắng nghe khúc “Nam Ai, Nam Bình” và “Lý Mười Thương” ở Thái Bình Lâu. Sau khi rời Đại Nội, mình lại băng qua Cửa Chương Đức để dạo bước trên những con đường vắng người, chỉ còn thấp thoáng ánh đèn đường và tiếng đưa chổi quét rác của các cô lao công. Một buổi tối thật thú vị. Thật khó quên. Nhưng đâu đó là những nỗi buồn khó có thể diễn tả bằng lời…


Trong những lần chuồn đi một mình, mình rất hay “hành hạ” người bạn “Giấc mơ Thái Lan” với các bản cover khác rất xa so với phiên bản gốc. Hai nhạc phẩm mình thường hát nhất là “Bên em là biển rộng” của nhạc sĩ Bảo Chấn và “Một mình” của cố nhạc sĩ Thanh Tùng. Đây đều là những bài hát buồn. Và thật ra, chỉ khi buồn mình mới lại muốn đi một nơi nào đó thật xa. Chỉ khi buồn mình mới lại muốn hát tình khúc.

Còn chút gì để nhớ

Tiểu quỷ: Chú ơi! Sao mặt chú buồn hiu vậy?
Lặc: Xe hư mà sao không buồn được hả con (mặt sầu thảm). 3 giờ chiều chú còn phải chạy về Đồng Hới cho kịp chuyến tàu đi Sài Gòn. 
Tiểu quỷ: Chú Hà (người sửa xe) không về thì con cho chú mượn xe đạp chạy về Đồng Hới nha (cười lớn).

 

Ngày hôm ấy, xe mình bị xẹp lốp trên đường từ Động Thiên Đường về đến Suối Moọc. Ở ngay giữa vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, dân cư đã thưa thớt, nói gì đến chuyện có tiệm sửa xe nào. Nhưng rồi, mình vẫn quyết định đi tiếp. Đi để tìm kiếm một tia hy vọng dù là nhỏ nhất.

Ông trời cũng không phụ lòng người. Sau rất nhiều vất vả, mình cũng tìm được căn nhà của chú Hà – một trong hai thợ sửa xe ở vùng núi đá vôi này. Ngặt nỗi, khi mình vừa đến, thì chú lại chuẩn bị đi đám cưới. Quần áo đã chỉnh tề. Chú cũng đang vội vì sợ trễ hẹn với các đồng chí, chiến hữu. Mình đã dùng mọi lời có thể, thậm chí nói dối trắng trợn về việc chiều nay phải về gấp Đồng Hới cho kịp tàu đi Sài Gòn, nhưng cũng chẳng thể ngăn cản ý chí sắt đá của chú. Dù vậy, ít ra chú vẫn cho mình một lời hứa hẹn “mười lăm phút”. 

Đến lúc này thì mình hoàn toàn bất lực, và chỉ biết trông chờ vào chút hy vọng mơ hồ. Trời trưa nắng. Điện thoại thì không mang. Mình đành ngâm nga mấy câu hát để giải khuây trong lúc chờ chú về. Tiếng hát “kinh hồn bạt vía” này đã thu hút sự chú ý của hai cô bé. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, mình đã bắt chuyện được với hai con “Tiểu quỷ” này. Cũng may nhờ hai cô bé, mình đã vơi bớt nỗi buồn giữa vùng rừng núi hoàn toàn xa lạ.

Và rồi, linh cảm của mình chẳng sai chút nào. “Mười lăm phút” lần một. “Mười lăm phút” lần hai. “Mười lăm phút” lần ba. Vẫn chẳng thấy bóng dáng của chú Hà đâu cả. Lúc này, mình thật sự đang rối trí và có chút hoảng loạn. ”Vở diễn” về chuyện trễ tàu của mình lại được tiếp tục. Sự sầu thảm đến tội nghiệp đó khiến những người làm gỗ ở phía trước cảm thấy thương cảm. Thế rồi, một cô ngoài bốn mươi đi về phía chỗ của mình. Rất nhanh chóng, mình nhận ra cô chính là mẹ của hai con “Tiểu quỷ” đang ngồi nói chuyện phiếm với mình. Cô hỏi han về tuổi, quê quán và lý do tại sao mình lại có mặt ở vùng núi Phong Nha – Kẻ Bàng này. Nhận thấy sự nóng ruột của mình, cô đã gọi điện thoại cho rất nhiều người, trong đó có cả chú Hà, nhằm nhắc chú về lời hứa hẹn với một thằng nhóc đang mòn mỏi chờ đợi. Thấy tình hình vẫn không có gì khả quan, các anh chị làm gỗ lần lượt tạm dừng công việc, và mang cho mình chút đồ ăn, nước uống. Mặc dù từ sáng đến giờ chưa có cái gì trong bụng, mình vẫn từ chối tấm thịnh tình đó. Có lẽ, mình cảm thấy day dứt khi phải nói dối nhiều đến như vậy.

Cuối cùng, chú Hà cũng xuất hiện. Tuy không phải là “mười lăm phút” như đã hứa hẹn, nhưng mình vẫn không chút oán trách chú. Đây là niềm hy vọng duy nhất để mình có thể bấu víu vào lúc này. Thật may, lần này niềm tin của mình đã không đặt sai chỗ. 

Cảm ơn. Cảm ơn rất nhiều. Mình chỉ biết nói vậy với những cô chú, anh chị và nhất là hai bé “Tiểu quỷ” đã luôn bên cạnh, động viên và giúp đỡ mình ngày hôm ấy. Đến giờ phút này, mình vẫn rất tiếc khi chưa có một lời xin lỗi và tấm hình kỷ niệm nào với những người dân thật thà, tốt bụng tại vùng núi đá Phong Nha – Kẻ Bàng.Trong hơn 600 tấm hình mình đã chụp xuyên suốt dự án “Hành trình Di sản 3: Thương Nhớ Miền Trung”, đây là khoảnh khắc mình trân trọng nhất. Kể từ lúc chụp tấm ảnh này, mỗi lần mình đưa ống kính lên, cô bé sẽ chạy cách xa mình hàng “tỉ dặm”.

Cũng may là “Còn chút gì để nhớ”, phải không “Tiểu quỷ”?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến