Nhân Vật Thể Thao: Định Mệnh Gã Thợ Hàn Đáng Thương

Claudio Ranieri sinh ngày 20 tháng 10 năm 1951 tại Rome. Ranieri bắt đầu sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp với vị trí hậu vệ trong màu áo bã trầu của AS Roma. Nhưng trong hai năm chơi cho đội bóng quê hương, ông chỉ ra sân 6 lần và không để lại quá nhiều dấu ấn. Sau đó, Ranieri lang bạt qua Catanzaro, Catania, Palermo trước khi chia tay với sự nghiệp quần đùi áo số vào năm 1986, và bước vào một vai trò mới là huấn luyện viên. Thật may, Ranieri có thể là cầu thủ hạng xoàng nhưng lại là một trong những chiếc lược gia tài năng nhất mà bóng đá Italia đã từng sản sinh ra.

Dấu ấn đầu tiên của Ranieri trên băng ghế huấn luyện chính là việc giúp cho Cagliari đoạt chức Serie C1 vào năm 1989, và thực hiện bước nhảy vọt ba năm tăng ba hạng để rồi có mặt ở Serie A ở mùa giải 1990-1991. Từ năm 1991, Ranieri chuyển sang huấn luyện Napoli – lúc ấy đang gặp khó khăn về tài chính và đưa câu lạc bộ này kết thúc mùa giải năm đó ở vị trí thứ tư tại Serie A và giành quyền tham dự vòng loại UEFA Cup. Mặc dù Ranieri đã bị sa thải ở ngay mùa giải thứ hai cầm quân đội bóng xứ Naples. Nhưng ông đã kịp để lại di sản rất lớn cho câu lạc bộ này với việc giới thiệu thành công Gianfranco Zola – một sự thay thế xứng đáng cho siêu sao người Argentina Diego Maradona. Cuộc hành trình của Ranieri được tiếp tục với đội bóng thành Florenze, Fiorentina. Cùng với tài huấn luyện của ông, The Viola đã bay cao trên đôi cánh của những Batistuta, Rui Costa hay Francesco Baiano để rồi giành cú đúp danh hiệu Copa Italia và Siêu cúp Italia cùng trong năm 1996. Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, Ranieri đã có một chuyến phiêu lưu ngắn ngủi trên đất nước Tây Ban Nha cùng với Valencia (1997-1999) và Atletico Madrid (1999-2000), trước khi sự nghiệp huấn luyện của ông đi đến một ngã rẽ mới ở “xứ sở sương mù”.

“Alo, chào Ranieri! Ông có muốn đến London và dẫn dắt Chelsea không? Ranieri hồ hởi đáp: Có.” Đoạn hội thoại trên hoàn toàn do tôi tự tưởng tượng ra, nhưng có một thực tế chắc chắn là Ranieri đã đến Chelsea và kế nhiệm chiếc ghế trống mà người đồng hương Vialli đã để lại. Mùa giải đầu tiên của Ranieri tại đội bóng thành London không có một kết quả ưng ý khi Chelsea cho ông dẫn dắt chỉ về đích thứ sáu tại EPL và có một chỗ tại UEFA Cup. Dĩ nhiên đây không phải là kết quả có thể làm hài lòng những quan chức và người hâm mộ khó tính của Chelsea lúc bấy giờ. Ngay mùa hè năm ấy, Ranieri đã nỗ lực thổi một làn gió mới vào Chelsea với việc kí kết hàng loạt cầu thủ trẻ tài năng như Lampard (WestHam), Petit (Barcelona) hay Gronkjaer (Ajax) với tổng giá trị lên đến 30 bảng Anh – một con số không hề nhỏ vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Nhưng rồi kết quả của Chelsea cũng không khả quan hơn là bao khi họ vẫn dậm chân tại chỗ ở EPL, dù cho đã giành danh hiệu á quân tại FA Cup (thua Arsenal 0-2).

Mùa giải 2002-2003, Ranieri đã bị chỉ trích với việc xoay tua đội hình mặc dù điều này giúp giúp cho The Blues có thể chinh chiến ở nhiều mặt trận khác nhau. Và từ đây, cái biệt danh “Tinkerman” (Gã thợ hàn) đã chính thức gắn chặt với sự nghiệp cầm quân của ông. Trận đấu cuối cùng của mùa giải năm ấy là cuộc chiến nhằm đoạt lấy chiếc vé cuối tham dự Champions League giữa Liverpool và Chelsea. Trong hàng vạn khán giả trên khán đài, có một người đàn ông người Nga ngồi tư lự và lắm lúc cắn móng tay cho … đỡ chán. Chẳng ai ngờ người đàn ông ấy là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến bóng đá thế giới một thập kỷ sau đó. Tên của ông ta là Roman Abramovich. Khi trận đấu kết thúc với chiến thắng 2-1 cùng với chiếc vé đến với Champions League dành cho Chelsea, Abramovich lập tức gọi điện cho các trợ lý của mình chuẩn bị các văn bản pháp lý và tiền bạc để sở hữu The Blues. Kể từ ngày Abramovich chính thức trở ông chủ của Chelsea, dù cho vị tài phiệt người Nga đã hứa hẹn rất nhiều cũng như cung cấp cho Ranieri một ngân sách lớn để shopping, nhưng nhà cầm quân người Ý thừa khôn ngoan để hiểu “cái máy chém” luôn vẩn vơ đâu đó trên cổ của mình. 

Mùa hè 2003, với việc chi hơn 120 triệu Bảng – một kỷ lục của câu lạc bộ để chiêu mộ hàng loạt ngôi sao như Crespo, Mutu, Joe Cole hay Makelele, Chelsea đã kết thúc mùa giải với vị trí thứ hai và chỉ chịu đứng sau một Arsenal bất khả chiến bại. Tại Champions League, Chelsea cũng đã đi đến trận bán kết, và mặc dù thất bại vì những chỉ đạo chiến thuật dị thường của Ranieri nhưng không ai có thể phủ nhận thành công của Chelsea mùa giải năm đó. Mối lương duyên của Ranieri và Chelsea có vẻ vẫn còn bền chặt, nhưng đó là suy nghĩ của những người bình thường, chỉ có Abramovich là nghĩ khác. Tham vọng của ông chủ người Nga là rất lớn, và Ranieri có vẻ không đủ tầm để đáp ứng được cái khát khao cháy bỏng vô địch Champions League của Abra. Và không mất quá nhiều thời gian, Ranieri nhận được án trảm và bị thay thế bởi một nhà vô địch thực sự có tên là Jose Mourinho.

Đây mới là lần thứ hai Ranieri bị sa thải (trước đó là Napoli). Nhưng lần này thật sự là quá nghiệt ngã và cay đắng với “Gã thợ hàn” khi dù không giúp cho Chelsea thu về những danh hiệu, nhưng ông đã đặt nền móng cho sự phát triển của The Blues trong một thời gian dài với việc mang về một thế hệ cầu thủ tài năng như Cech, Lampard, Makelele, … Trong nhiều năm sau đó, Ranieri tiếp tục thể hiện khả năng chắp vá đại tài đúng như cái biệt danh của mình khi giúp Juve thoát khỏi vũng bùn Calciopoli, góp phần đáng kể trong sự hồi sinh rực rỡ của AS Roma, đưa Inter Milan từ đáy bảng xếp hạng leo lên vị trí tham dự cúp châu Âu. Nhưng danh hiệu – thứ đánh giá trực quan và cụ thể nhất tài năng của một huấn luyện viên thì luôn cứ lảng tránh ông. Ranieri cần chức vô địch một giải đấu danh giá để xóa tan hoài nghi rằng ông mãi chỉ là một gã thợ hàn đáng thương. Và thế là câu chuyện cổ tích của Ranieri với Leicester được bắt đầu.


Chắc chắn là trước mùa giải 2015-2016, chẳng mấy người hâm mộ biết đến tiếng tăm của Leicester – một câu lạc bộ luôn phải nơm nớp lo sợ trước nguy cơ rớt mạng khi mùa giải mới khởi tranh. Vậy thì điều gì đã chắp cánh cho thành công của đội chủ sân King Power? Là sự chắc chắn của cặp trung vệ Morgan – Huth, sự bao phủ ¼ Trái Đất của “máy cày” N’golo Kante, những khoảnh khắc thiên tài của chàng nghệ sĩ Riyad Madrez hay là sự bùng nổ của “khẩu đại pháo” Jamie Vardy? Có lẽ là tất cả. Nhưng tôi tin rằng nếu được chọn nhân vật xứng đáng nhận sự tán thưởng của tất cả người hâm mộ làn túc cầu thì đó phải là Claudio Ranieri. Nếu không có ông thì ai sẽ biết đến những con người mà tôi kể ở trên? Nếu không có ông thì ai sẽ là người chắp nối những mảnh ghép tưởng như đồ bỏ của các ông lớn để thành một chiếc xe tăng lầm lũi đi đến chức vô địch EPL mà chẳng thế lực nào có thể cản đường? Đành rằng trong một mùa giải mà các ông lớn gặp nhiều vấn đề khác nhau, nhưng chẳng có thể phủ nhận sự nỗ lực và xuất sắc của Leicester mà ở đó Ranieri là nhân vật trung tâm. Rốt cuộc thì gã người đàn ông có gương mặt khắc khổ ấy đã được công nhận. Chỉ tiếc là niềm vui ngắn chẳng tày gang. Một lần nữa Ranieri lại bị phản bội.

Triều đại Ranieri ở Leicester kết thúc sau trận thua Sevilla 1-2 tại Champions League. 24 giờ sau đó ông nhận được trát sa thải từ thượng tầng Leicester. Trên trang chủ chỉ có vài dòng qua loa ghi công và cảm ơn những đóng góp của Ranieri đối với “Bầy Cáo”. Chẳng có cầu thủ Leicester nào tri ân ông thầy mình đến một câu. Ranieri phải chịu trách nhiệm rất lớn đối với sự tụt dốc của Leicester trong mùa giải năm nay. Nhưng nên nhớ rằng Leicester trước sau cũng chỉ là một đội bóng trung bình ở giải ngoại hạng Anh. Đừng để cái danh hiệu vô địch năm ngoái làm cho tất cả ông chủ, cầu thủ, người hâm mộ của đội bóng này ảo tưởng rằng nó có thể xóa nhòa và khỏa lấp đi sự chênh lệch về đẳng cấp của các đội bóng lớn với Leicester. Ranieri đã tạo nên một câu chuyện thần tiên trong lịch sử “Bầy Cáo”. Chỉ tiếc rằng như bao nhiêu đội bóng trước đó, Gã thợ hàn lại bị quay lưng bởi chính những người mà ông tin tưởng nhất.

Ở tuổi 65, nhiều người cho rằng Ranieri sẽ dừng công việc huấn luyện ở đây mà sống những phút giây hạnh phúc với Rosona – vợ của ông. Nhưng cá nhân tôi tin rằng người đàn ông này chỉ tạm nghỉ một thời gian ngắn, trước khi quay lại với guồng quay hối hả của bóng đá hiện đại. Để rồi tiếp tục thực hiện công việc của một gã thợ hàn đáng thương. Vì đó là định mệnh của cuộc đời ông.

Sài Gòn, ngày 25 tháng 02, năm 2017.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến