Hành Trình Di sản 4: Hương Phù Sa (Phần 1) - Về Miền Tây

Về Miền Tây

Một buổi chiều, cô bạn hỏi rằng tôi có muốn đi chơi An Giang ít ngày không. Tôi nhận lời mà chẳng chút mảy may suy nghĩ. Lúc ấy, tài chính của tôi không hề dư dả. Tiền điện. Tiền nhà. Tiền sinh hoạt những ngày cuối tháng. Tôi phát điên với chúng. “Đi về rồi tính”, tôi tặc lưỡi và bắt đầu lên lịch trình cho chuyến đi không nằm trong kế hoạch.

Trước ngày đi tôi nôn nao và háo hức lắm. Cũng bởi tôi sinh ra tại một tỉnh nghèo thuộc khúc ruột miền Trung. Tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng và bồi đắp bằng làn điệu ca Huế. Những năm tháng học trò đầy ắp kỷ niệm lại gắn liền với phố núi Kon Tum trầm lắng. Ngay cả Tây Bắc – nơi địa đầu trên bản đồ hình chữ S tôi cũng đã ghé thăm không ít lần. Chỉ có miền Tây hoàn toàn xa lạ. Mọi hình dung của tôi về vùng đất này chỉ là quá trình cóp nhặt thông tin qua sách báo, ti-vi.

Trời còn tờ mờ tôi đã dắt xe ra khỏi nhà. Đi sớm cho bớt nắng, cô bạn nói vậy. Nhưng việc khởi hành sớm như thế chỉ tổ hai đứa tôi ngáp ngắn ngáp dài. Mặc cơn ngái ngủ chưa dứt, tôi vẫn tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi quan sát cảnh vật xung quanh.

Những hàng dừa xanh ngát, dọc hai bên đường, mang lại cảm giác yên bình trong tâm hồn. Hầu hết ngôi nhà được xây dựng khang trang, chỉ còn lác đác nhà tranh vách đất, chứng tỏ đời sống người dân nơi đây ít nhiều cải thiện hơn ngày trước. Bờ kênh ăm ắp nước phù sa, chực tràn ra mặt đường – hình ảnh biểu trưng cho mùa nước nổi miền Tây. Hay tiếng cười nói vang vọng của mấy cô buôn gánh bán bưng, tiếng chửi thề của hai người đàn ông đang “nghênh chiến” trên bàn cờ, tiếng í ới của các cô cậu rượt đuổi nhau trên đường phố…

Miền Tây tôi luôn mường tượng, thật chẳng khác chút nào.

Những trải nghiệm đầu tiên

Ông Trời có vẻ muốn thử thách tính nhẫn nại của bạn tôi. Nhiệt độ ngoài trời không ngừng tăng lên khi cây kim giờ đang tiến dần về số 12. Đã vậy, những địa điểm trong lịch trình cũng chẳng làm cô hài lòng. Hai đứa tôi chẳng trông mong sẽ thưởng ngoạn những cánh đồng bạt ngàn hoa sen tại Đồng Tháp Mười như hình ảnh vẫn lan truyền. Nhưng đi từ chòi này đến các chòi khác, phóng tầm mắt đến tận đường chân trời vẫn chẳng thấy sắc hồng nào cả. Tất cả sen đã héo úa và tàn lụi từ nhiều tháng trước.

Khác với khu du lịch Tháp Mười, cách thức tổ chức khai thác du lịch ở Vườn quốc gia Tràm Chim rất quy củ và bài bản. Sau khi mua vé ở quầy chúng tôi đi bộ một quãng mới đến bến thuyền. Ngồi trên chiếc tắc ráng (hay vỏ lãi - loại xuồng đặc trưng sông nước miền Tây) len lỏi trên dòng kênh hiền hòa, ngắm nhìn từng đàn chim sải cánh tung bay trên bầu trời, lắng nghe tiếng gọi nhau vang vọng cả không gian của những loài động vật nơi đây, chiêm ngưỡng khoảng không mênh mông giao hòa đất trời từ đài vọng cảnh… là những trải nghiệm thật sự đáng quý trong cuộc đời tôi.

Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đã tạo nên sự đa dạng sinh học hiếm có cho vùng đất “sáu tháng đồng khô cỏ cháy, sáu tháng nước ngập khắp đồng”.

Hai đứa tôi tìm đường tới bến phà chợ Vàm để tiếp tục cuộc hành trình. Bấy giờ đã quá trưa, tôi bắt đầu thấm mệt sau một buổi sáng rong ruổi trên những cung đường. Chẳng bù cho bạn tôi, cô lân la hỏi chuyện từ bác lái tàu cho đến các vị khách trên phà. Thậm chí cô còn nhận ra hai màu nước sông tách biệt nhau. Hoặc do góc chiếu ánh sáng Mặt Trời, hoặc là sự chênh lệch lượng phù sa giữa hai dòng nước, tôi giải thích. Phần trả lời kết thúc cũng là lúc phà cập bến địa phận tỉnh An Giang.

Nhìn trên bản đồ thì quãng đường đến Châu Đốc không còn xa nữa. Ấy vậy mà chúng tôi luôn nơm nớp lo sợ. Có đoạn, đi nhiều cây số rồi mà chẳng thấy bóng dáng của nhà cửa, con người đâu cả. Cứ như một đoạn băng được tua đi tua lại nhiều lần, vẫn chỉ là những hàng cây soi bóng xuống mặt đường hay tiếng chim ríu rít trên bầu trời. Phải đến khi chạm mặt ngã ba và hỏi đường người dân, hai đứa tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì… không lạc đường.

Tìm khách sạn ở Châu Đốc cũng không hề đơn giản. Là một thành phố du lịch nên giá phòng ở đây cao hơn so với chất lượng dịch vụ thực tế. Dạo quanh một vòng chúng tôi cũng chọn được chỗ phù hợp với túi tiền. Mệt lả người nên vừa đặt mình xuống giường, hai đứa tôi đã say giấc.

Khám phá Châu Đốc

Kế hoạch của chúng tôi là ngắm hoàng hôn trên núi Sam. Nhưng khi lên đến đỉnh núi thì Mặt Trời đã gần khuất dưới đường chân trời. May sao những tia nắng cuối ngày vẫn đủ cho hai đứa nhìn ngắm khung cảnh tuyệt đẹp của cánh đồng lúa trên khu vực biên giới hai nước Việt Nam và Campuchia.

Xa xa là dòng nước của Vĩnh Tế Hà – kênh đào lớn nhất trong lịch sử phong kiến nước ta. Công trình này được đặt theo tên của Châu Thị Tế, người phụ nữ nổi tiếng nhân đức và được nhân dân kính trọng. Ít người biết rằng, núi Sam còn có một tên gọi khác là Vĩnh Tế Sơn.

Chồng bà – danh tướng Nguyễn Văn Thoại (hay Thoại Ngọc Hầu) chính là người chỉ huy đào con kênh nối liền từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Ông còn lập ấp, cho thi hành các quyết sách nhằm ổn định cuộc sống cho người dân.

Hiện nay, lăng Thoại Ngọc Hầu là di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu của tỉnh An Giang. Khu lăng mộ được xây dựng theo mô thức kiến trúc đầu triều Nguyễn. Các hạng mục chính bao gồm: Cổng ra vào hình bán nguyệt; ba ngôi mộ được đắp bằng hợp chất ô dước (mộ Thoại Ngọc Hầu nằm giữa, hai bên là mộ bà chính thất Châu Thị Tế và bà thứ thất Trương Thị Miệt), trước mỗi ngôi mộ đều có bình phong che chắn; Điện thờ có tượng bán thân Thoại Ngọc Hầu. Ngoài ra còn có hàng chục mộ nhỏ những người tử nạn khi đào kênh Vĩnh Tế. Sự uy nghi, bề thế của công trình thể hiện lòng biết ơn công đức vợ chồng danh tướng của nhân dân vùng biên giới Tây Nam bao đời nay.

Dưới chân núi Sam, đối diện lăng Thoại Ngọc Hầu, là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng: Miếu Bà Chúa Xứ. Ngôi miếu được lợp ngói xanh, gồm ba tầng lầu. Những hoa văn trên cánh cửa, bức hoành phi trong khu chính điện được trạm trổ vô cùng tinh xảo. Tượng Bà Chúa Xứ được đặt trên kệ cao, phục sức các lớp áo lộng lẫy. Bên dưới có rất nhiều người đang quỳ lạy trước tượng để mong thần linh đáp ứng lời nguyện cầu. Xung quanh tấp nập dòng người mua nhang, miệng lẩm nhẩm điều khấn với lòng thành kính tuyệt đối.

Ngó nghiêng những hàng quán một chốc rồi chúng tôi trở về nội thị Châu Đốc để ăn tối. Sau một hồi cân nhắc hai đứa quyết định dừng chân ở quán bún cá bình dân trên đường Lê Lợi. Quả thật là một quyết định sáng suốt. Ngay đến một người khó tính như bạn tôi cũng phải tấm tắc khen ngợi hương vị của tô bún cá này. Và hai đứa không khỏi ngỡ ngàng khi biết giá chỉ là 10 nghìn/tô.

Họ còn chẳng biết hét giá. Nét chân phương, khiêm nhu có lẽ đã ăn sâu vào tiềm thức cư dân nơi đây, tôi thầm nghĩ.

Châu Đốc “ngủ” khá sớm. Chúng tôi trở về khách sạn sau khi lượn lờ chợ đêm Châu Đốc hay hòa mình vào không gian rộn ràng tại công viên Cá Ba Sa.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến