Hành Trình Di sản 4: Xâm Nhập Mặn Và Bài Toán Nan Giải Với Đồng Bằng Sông Cửu Long


Xâm nhập mặn là gì?

Theo định nghĩa của Saline Agriculture Worldwide, Xâm nhập mặn (Salinization) là sự gia tăng nồng độ muối trong đất, hầu hết các trường hợp đến từ việc muối hòa tan trong nguồn nước.

Xâm ngập mặn - vấn nạn của Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của xâm ngập mặn tại Việt Nam. Vùng đất này bị tác động của thủy triều từ biển Đông và vùng biển Tây Nam. Vào mùa cạn, khi lưu lượng nước từ thượng lưu đổ về giảm, hoạt động của thủy triều làm ảnh hưởng lớn đến hệ thống kênh rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long, dẫn đến nước mặn tràn vào sông ngòi và kênh rạch nội đồng. 



Theo ước tính, khoảng 50% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long đã bị nhiễm mặn, tác động trực tiếp đến đời sống cư dân ở hầu khắp các tỉnh thành trong khu vực. Theo đó, các chuyên gia đã chia đồng bằng sông Cửu Long thành những khu vực nhiễm mặn như sau: (1) vùng ven sông Vàm Cỏ thuộc tỉnh Long An; (2) vùng các cửa sông Cửu Long; (3) vùng các cửa sông Tiền và sông Hậu; (4) vùng ven biển Tây Nam gồm tỉnh Kiên Giang và một phần tỉnh Cà Mau; (5) vùng bán đảo Cà Mau. Thông thường, hiện tượng xâm ngập mặn sẽ xuất hiện vào đầu mùa khô (cuối tháng 12), và “lên đỉnh” vào tháng 3, tháng 4 hàng năm. Tuy vậy, trong nhiều năm trở lại đây, độ mặn lớn nhất trong năm thường sớm trước hai tháng, xâm nhập sâu vào đất liền và duy trì lâu hơn.

Năm 2016 được xem là đợt mặn lịch sử, trăm năm mới xuất hiện một lần. Hình ảnh những cánh đồng chết khô, nước biển tràn đến tận nhà, trâu bò chết khát vì thiếu nước ngọt… sẽ còn hằn sâu vào tâm trí và là niềm ám ảnh khôn nguôi của những cư dân đồng bằng sông Cửu Long. Trong đợt hạn mặn ấy, khoảng 635.000 ha tổng diện tích canh tác (405.000 ha lúa, 8.146 ha hoa màu, 28.457 ha cây ăn quả, 194.163 ha thủy sản)[1] ở đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng; gần 400.000 hộ gia đình vùng duyên hải đã rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt, các công trình công cộng như trường học, trạm xá, nhà nghỉ,… cũng thiếu nước ngọt trầm trọng. Năm đó, tổng thiệt hại do đợt xâm nhập mặn lịch sử gây ra cho đồng bằng sông Cửu Long lên tới hơn 7.900 tỉ đồng.



Đợt xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 được dự báo sẽ vượt mốc kỉ lục hạn mặn năm 2016. Hiện tại, hạn mặn đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, cuộc sống thường nhật của hơn 96.000 hộ dân thuộc 10/13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long (trừ Tp. Cần Thơ, Đồng Tháp và An Giang). 5 tỉnh miền Tây đã ban bố tình trạng khẩn cấp do ảnh hưởng của hạn mặn gồm Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An. Mùa nước mặn năm nay cũng đến sớm hơn so với mọi năm, có nơi từ tháng 11/2019. Trên sông Hàm Luông, chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất khoảng 78 Km, hơn mức sâu nhất năm 2016 khoảng 5 Km; xâm nhập mặn sâu nhất trên sông Vàm Cỏ có phạm vi từ 100-110 Km, thấp hơn 15-16 Km so với mức sâu nhất năm 2016; trên sông Hậu, xâm nhập mặn ảnh hưởng sâu nhất khoảng 70 Km, hơn mức sâu nhất năm 2016 khoảng 10 Km… Vấn nạn xâm ngập mặn đang bức tử đồng bằng sông Cửu Long, và chưa bao giờ ánh mắt van nài sự giúp đỡ, tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng của các cư dân nơi đây lại khẩn thiết đến vậy.  

Thủy điện Trung Quốc là nguồn cơn chính yếu nhất?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tấn thảm kịch này tại đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ nhất, do tác động của biến đổi khí hậu và hệ quả của El Nino tại Việt Nam.

Trong khoảng hai thập niên vừa qua, biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ lên đồng bằng sông Cửu Long. Hiệp định khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNFCCC, 2003) cho biết trong 30 năm qua, mực nước biển tại các trạm quan trắc dọc bờ biển miền Nam Việt Nam có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, trong khoảng thời gian trên mực biển tăng trung bình 3 cm/năm; mực nước biển xung quanh đồng bằng sông Cửu Long đã tăng 20 cm so với năm 1901 (theo dữ liệu của tram quan trắc Vũng Tàu). Theo cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam, từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2019, tổng lượng dòng chảy các trạm trên dòng chính sông Mekong thiếu hụt từ 35-45% so với trung bình nhiều năm. Số lượng các cơn bão/áp thấp nhiệt đới từ biển Đông và vùng biển Tây Nam không ngừng gia tăng trong nhiều thập kỉ vừa qua (7-8 đợt/năm).

El Nino cũng để lại những hệ quả hết sức nặng nề cho đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tượng thời tiết này khiến cho tổng lượng mưa khu vực phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30% (giai đoạn 11/2019 - 01/2020). Trong khoảng thời gian 1951-2000, nhiệt độ trung bình của Việt Nam đã gia tăng khoảng 0.7 độ C; so với khí hậu nền của thập 80s, bước sang thập niên 2030, nhiệt độ trung bình trong mùa khô ở đồng bằng sông Cửu Long đã gia tăng từ 33-35 độ C lên 35-37 độ C; biên ngập lũ từ tháng 9 - tháng 10 có xu hướng mở rộng về bán đảo Cà Mau.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hệ quả từ hiện tượng El Nino nên mùa mưa ở đồng bằng sông Cửu long đến trễ nhưng lại kết thúc sớm, tổng lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, dẫn đến dòng chảy trong mùa khô từ thượng lưu chảy về đồng bằng sông Cửu long xuống thấp. Đó là điều kiện lí tưởng để hạn mặn bóp nghẹt cuộc sống cư dân nơi “vựa lúa của đất nước”.

Thứ hai, những bất cập trong việc sử dụng nguồn nước

Nguồn nước mặt ở đồng bằng sông Cửu Long được sử dụng để phục vụ chủ yếu cho việc nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp. Với diện tích khoảng 1.5 triệu ha lúa đông-xuân muộn (tháng 1-2) và hè-thu sớm (tháng 3-4), cùng với 800.000 ha nuôi trồng thủy sản, cần một lượng nước tưới tiêu và cung cấp cho ao nuôi rất lớn. Trước đây, nhiều người nông dân vẫn còn tập quán canh tác dựa vào lượng nước nên thời gian các vụ mùa không ổn định, tổng tượng lớn nước khai thác vào mùa khô chỉ khoảng 300-400 m3/s. Nhưng với tần suất 2-3 vụ mùa/năm như hiện nay, cùng hệ thống trạm bơm điện và diện tích đồng ruộng lớn thì lượng nước trung bình cần sử dụng trong mùa khô có thời điểm lên tới 700-1000 m3/s. Cùng với đó, nhiều vùng nuôi trồng thủy sản cũng cần nước ngọt để giữ con giống ở độ mặn tối ưu. Áp lực từ nhu cầu sử dụng nguồn nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng lên, thế nhưng lượng nước ngọt khai thác từ sông Mekong và Biển Hồ (Tonle Sap - Cambodia) lại không ổn định và có xu hướng suy giảm khiến cho tình trạng xâm nhập mặn ngày càng trầm trọng.

Nguồn nước mặt chỉ có giới hạn, không những vậy trong vài thập kỉ trở lại đây tài nguyên thiên nhiên này ở đồng bằng sông Cửu Long đang bị ô nhiễm trầm trọng do việc lạm dụng chất hóa học (phân bón, thuốc trừ sâu…) trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Do vậy, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai việc khai thác nguồn nước dưới đất. Đồng bằng sông Cửu Long có trữ lượng nước ngầm khá lớn, với 4 tầng chứa nước mở ra triển vọng khai thác nguồn nước ngọt (43 triệu m3/ngày), nước lợ (22 triệu m3/ngày), nước mặn - rất mặn (23.2 triệu m3/ngày). Tiếc rằng, việc khai thác nước ngầm quá mức đã làm đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún 10-20 mm/năm, và hiện tượng nước ngọt nhiễm mặn tập trung ở hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau đang diễn tiến rất phức tạp.

Thứ ba, sự biến động dòng chảy từ thượng lưu về đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn nước ở đồng bằng sông Cửu Long được cung cấp bởi hai yếu tố chính: (1) lượng trữ trong hồ Tonle Sap (Biển Hồ Cambodia), (2) dòng chảy đến trạm Kratie (đầu châu thổ sông Mekong).

Những năm gần đây, thường xuyên xảy ra trình trạng lũ thượng lưu thấp nên khả năng trữ nước của Biển Hồ rất hạn chế. Với năm lũ lớn, Biển Hồ có thể tích mực nước lên đến 7m (tương đương dung tích 80 tỉ m3); còn những năm lũ nhỏ, Biển Hồ tích lượng nước ước chừng 4-5m (dung tích khoảng 40-50 tỉ m3), và lượng nước này chỉ đủ cung cấp nước cho đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau. Tình trạng báo động của Biển Hồ được thể hiện rõ nhất vào tháng 03/2016 khi mực nước giữa mùa khô ở trạm quan trắc Prek Kdam (gần Biển Hồ) trung bình chỉ đạt 1.78m - trạng thái cực thấp nếu so sánh với bất kì thời điểm nào trong giai đoạn 1980-2003, thậm chí còn thấp hơn cùng kì năm 2014-2015 là 0.95m.

Mùa mưa bắt đầu muộn và lại kết thúc sớm, lượng nước ít ỏi được tích trữ trong Biển Hồ sẽ không đảm bảo cho cuộc sống của các cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long chống lại vấn nạn xâm nhập mặn trong mùa khô.

Thứ tư, thủy điện: tác nhân bức tử Mekong

Theo “Mê Kông ký sự”, Tử Khúc, Trác Khúc và Ngang Khúc là ba nhánh song song từ Thanh Hải chảy vào cao nguyên Tây Tạng. Sông Tử Khúc khi đến Tây Tạng đã hợp lưu với Trác Khúc. Chảy thêm một quãng, Trác Khúc và Ngang Khúc nhập lại tại Xương Đô mà thành Lan Thương - đoạn sông Mekong thuộc Trung Quốc. 




Nếu chiều dài của sông Mekong là 4.350 Km, thì gần một nửa chảy trên lãnh thổ Trung Quốc. Với độ cao hơn nghìn mét so với mực nước biển, quốc gia này đã tận dụng triệt để nguồn lợi từ dòng sông Lan Thương khi xây dựng hàng loạt các nhà máy thủy điện. Tính đến tháng 02/2020, Trung Quốc đã cho vận hành 11 con đập trên sông Lan Thương (tổng công suất 15.000 MW và hồ chứa có dung tích 40 tỉ m3), trong đó có ba đập tác động trực tiếp lên dòng chảy của con sông này là Mạn Loan, Tiểu Loan và Nọa Trác Độ. Việc xây dựng đập trên dòng chính của Mekong đã giúp cường quốc số 2 thế giới kiểm soát hoàn toàn nhịp sống của dòng sông này. Đơn cử như vào tháng 01/2020, việc chạy thử giảm ½ lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng đã khiến mực nước sông Mekong xuống thấp đến mức một số dòng sông còn biến mất khỏi bản đồ địa lý (National Geographic).

Hành động của Trung Quốc vô hình trung đã tạo nên một cuộc chạy đua xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong của các quốc gia Đông Nam Á. Khi sông Mekong về đất Lào, nó còn phải vượt qua rất nhiều còn đập lớn nhỏ. Thái Lan cũng không để mình đứng ngoài cuộc khi dẫn nước trực tiếp từ dòng chính Mekong vào các khu vực hạn hán trong lãnh thổ nước này. Cambodia tiếp tục dựng lên hàng loạt các đập thủy điện chặn dòng như Stung Tieng hay Sambor. Và khi mang cái tên rất Việt - Cửu Long - Mekong chỉ còn một lượng nước ít ỏi so với ngày còn vỗ sóng trên thượng nguồn Thanh Hải.

Tiến trình xây dựng bậc thang thủy điện đã khiến mực nước trong mùa mưa ở Cambodia thấp hơn nhiều so với trước đây. Do đập thủy điện làm giảm cường độ dòng nước nên mực nước ở Phnom Penh không thể đạt đủ mức để tràn vào Biển Hồ nhằm tích trữ nước cho mùa khô. Và sự kiện đập thủy điện Xayaburi (Lào) đi vào hoạt động như là hồi chuông báo tử về một tương lai thiếu nước ngọt trầm trọng của những quốc gia Đông Nam Á ở hạ lưu sông Mekong, cũng như các vấn đề song hành, điển hình là xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long.



  
Thứ năm, hoạt động khai thác cát trên dòng Cửu Long

Với dạng địa hình đồng bằng, xâm nhập mặn là kết quả của sự mất cân bằng giữa ba thành tố: (1) lượng nước ngọt đổ về, (2) sự xâm nhập của biển (thủy triều và nước biển), (3) cấu trúc địa hình của dòng sông (đáy sông, độ rộng, độ dốc…). Những đập thủy điện không chỉ mang lại hệ lụy về thay đổi dòng nước, mà còn chặn dòng phù sa. Khi thiếu phù sa, dòng sông phải tự lấy phù sa để bù đắp vào lượng thiếu hụt này, dẫn đến hiện tượng sạt lở, xói lở ở đáy sông.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây hoạt động khai thác cát ở bãi bồi ven sông và giữa lòng sông diễn ra trên dòng Cửu Long (sông Tiền, sông Hậu…) đang là một vấn đề nhức nhối nhưng chưa có lời giải thỏa đáng. Với lượng cát khai thác gấp hơn 2.5 lần so với lượng phù sa được bù đắp, tốc độ xói lở ở đáy sông và bờ sông không ngừng tăng lên. Hiện nay, đáy sông Tiền (đoạn giữa An Giang và Đồng Tháp) đang sâu hơn 2-4m trong 15-20 năm qua, với tốc độ 20-30 cm/năm. Điều này khiến thủy triều dâng cao và tạo điều kiện cho xâm nhập mặn đến sớm khi đưa lượng muối nhiều hơn vào vùng đồng bằng châu thổ.

Tóm lại, hoạt động xây dựng và vận hành thủy điện của Trung Quốc được xem là tác nhân chính yếu nhất dẫn đến vấn nạn xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Song, đây chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tấn bi kịch này. Ngoài sự thống trị gần như tuyệt đối của Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á khác (Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambodia) cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của mình với việc cùng với cường quốc số 2 thế giới bức tử dòng Mekong, qua đó bóp nghẹt con đường sống của các cư dân ở vùng hạ lưu. 

Và Việt Nam, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các vấn đề liên quan đến Mekong, phải thực thi các giải pháp trên nhiều phương diện khác nhau để hướng đến tương lai, ở đó Mekong huyền thoại nuôi dưỡng bao đời cư dân đất Việt chỉ còn là một dòng sông “nghèo nước, đói phù sa”.

Tài liệu tham khảo



[1] Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Báo cáo Hội thảo khoa học thường niên năm 2017.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến