Nhân Vật Thể Thao: Chàng Nghệ Sĩ Có Đôi Chân Pha Lê

BTV Cup hay giải bóng đá Truyền hình Bình Dương là sân chơi thuộc hệ thống thi đấu thường niên của VFF. Giải đấu này là cơ hội cho các câu lạc bộ trong nước và quốc tế tuyển chọn và sàng lọc cầu thủ, nhất là những ngoại binh, để chuẩn bị cho mùa giải mới. Khác với mọi năm, BTV Cup 2018 nhận được sự chú ý đặc biệt với sự xuất hiện của “đội bóng quốc dân” Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Mặc dù, trong thành phần của đội bóng phố Núi đăng ký tham dự BTV Cup không có những cầu thủ chủ chốt như Công Phượng, Văn Thanh, Hồng Duy hay Ngọc Quang vì bận làm nghĩa vụ quốc gia cùng U23 Việt Nam. Thế nhưng, người hâm mộ hứa hẹn vẫn sẽ đến sân rất đông để cổ vũ cho HAGL. Bởi lẽ, đội bóng phố Núi vẫn còn một “ảo thuật gia” đủ sức mê hoặc bất cứ ai từng xem chàng trai này chơi bóng. Chàng trai ấy là Nguyễn Tuấn Anh.

Tuấn Anh sinh ngày 16 tháng 05 năm 1995 trong một gia đình khá giả tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Tình yêu và niềm đam mê với trái bóng tròn của Tuấn Anh đã sớm bộc lộ từ tấm bé. Tuy vậy, gia đình không muốn Tuấn Anh theo nghiệp “quần đùi áo số” vì sợ cậu con trai vất vả. Họ muốn Tuấn Anh xem bóng đá là một hình thức rèn luyện cơ thể và giải trí trong quãng thời gian nghỉ hè, đồng thời hướng cậu con trai theo con đường học vấn để trở thành một bác sĩ như người bố của Tuấn Anh.

Năm 2007, bước ngoặt đã đến với chàng trai người Thái Bình khi học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG chiêu sinh khóa I. Trong hơn 160 cầu thủ nhí vùng quê lúa tham gia dự tuyển, Tuấn Anh là thí sinh xuất sắc nhất. Để rồi, chàng trai này trở thành một trong 14 viên ngọc thô đầu tiên của “trường học” Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG – “đứa con” mang theo khát vọng đưa bóng đá Việt Nam vươn ra biển lớn của ông bầu Đoàn Nguyên Đức.

Tháng 11/2012, sau trận thắng của Học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG trước U18 Arsenal, huấn luyện viên Arsene Wenger đã triệu tập bốn cầu thủ xuất sắc nhất của Học viện sang Trung tâm huấn luyện Arsenal tại London để tập luyện và thi đấu cọ xát với đội U18 của Pháo thủ. Trong đó, Tuấn Anh chính là cái tên để lại những ấn tượng và được Ngài Giáo sư đánh giá cao nhất. Tuy chưa đủ để chen chân vào đội trẻ của Arsenal, nhưng Tuấn Anh đã được đích thân huấn luyện viên Wenger giới thiệu đến câu lạc bộ của Hy Lạp, Olympiakos. Tiếc rằng, khi cánh cửa chạm ngõ bóng đá Châu Âu của Tuấn Anh vừa được hé mở, thì ngay lập tức đã đóng sập lại với chàng trai người Thái Bình vì hung tin vỡ sụn chêm và đứt dây chằng trước. Chấn thương này nặng đến nỗi, tưởng như sự nghiệp cầu thủ của Tuấn Anh đã chấm dứt từ đây. May thay, bầu Đức đã dành cho cầu-thủ-con-cưng chế độ đặc biệt để thực hiện ca phẫu thuật và phục hồi chấn thương. Nhờ vậy, Tuấn Anh có thể trở lại sân cỏ sau 6 tháng dưỡng thương cùng chiếc đầu gối quấn đầy băng trắng – hình ảnh gắn liền với chàng cầu thủ tài hoa của bóng đá Việt Nam.

Bỏ lại cú sốc đầu đời, Tuấn Anh đã nhanh chóng đứng dậy và chơi tuyệt hay trong màu áo U19 Việt Nam. Tại giải Hassanal Bolkiah 2014, huấn luyện viên Bok Bok Chuan của U21 Singapore đặc biệt ấn tượng với kỹ năng chơi bóng của Tuấn Anh, và cho rằng chàng trai này sẽ trở thành một cầu thủ có đẳng cấp trong tương lai. Huấn luyện viên đội tuyển Brunei Kwon Oh Son thì so sánh Tuấn Anh với tiền vệ người Italy, Andrea Pirlo. Các chuyên gia xem Tuấn Anh như một báu vật, và là “của hiếm” của bóng đá Việt Nam. Ông bầu Đoàn Nguyên Đức thì tuyên bố gọn lỏn: “Ở Hoàng Anh Gia Lai, Công Phượng không là gì hết. Tuấn Anh mới là số một”.

Ngỡ như, Tuấn Anh sẽ trở thành thủ lĩnh của thế hệ cầu thủ đưa bóng đá Việt Nam vươn tầm châu lục như ước vọng của bầu Đức và người hâm mộ nước nhà. Nhưng rồi, bóng tối bỗng chốc ập đến với sự nghiệp của chàng trai người Thái Bình khi Toshiya Miura trở thành huấn luyện viên trưởng của đội tuyển quốc gia Việt Nam. Dẫu cho, bản thân chiến lược gia người Nhật đánh giá rất cao tài năng của Tuấn Anh, song ông lại không thể khai phá được tiềm năng của cậu học trò trong sơ đồ chiến thuật của mình. Tại đội tuyển U23 Việt Nam khi ấy, huấn luyện viên Miura ưa thích sử dụng hai “số 6”, đồng thời yêu cầu hai tiền vệ trung tâm phải chơi thấp và tranh cướp bóng quyết liệt. Điều này hoàn toàn không phù hợp với một mẫu tiền vệ thiên về kỹ thuật như Tuấn Anh. Thế rồi, các chuyên gia bóng đá, và cả bầu Đức, đều không lấy làm ngạc nhiên khi Tuấn Anh hoàn toàn lạc lõng và thi đấu dưới sức trong khoảng thời gian Toshiya Miura dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.

20/01/2016 là một buổi tối huyền diệu với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, và của cá nhân Tuấn Anh. Khoảnh khắc số 8 của U23 Việt Nam khéo léo ngoặt bóng loại bỏ hậu vệ và thực hiện cú khứa lòng tuyệt đỉnh tung lưới U23 UAE đã làm nổ tung cầu trường. Sau tuyệt phẩm đó, những giọt nước mắt chực trào trên gương mặt của chàng “Nhô” – biệt danh của Tuấn Anh. Những giọt nước mắt này như gạt bỏ hết nỗi phiền muộn, uất ức và áp lực mà Tuấn Anh phải gánh chịu trong hai năm vừa qua. Tuấn Anh đã chứng minh cho Miura thấy huấn luyện viên người Nhật quá bảo thủ khi không trọng dụng anh. Tuấn Anh đã chứng minh cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam thấy “phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Và, Tuấn Anh đã chứng minh cho tất cả mọi người thấy ý chí và nghị lực phi thường để vượt qua gian khó của bản thân. Trong từ điển của chàng trai người Thái Bình chưa bao giờ xuất hiện hai chữ: đầu hàng.

 

Tiếc rằng, đó cũng là nốt nhạc vui hiếm hoi trong bản tình ca buồn về nghiệp cầu thủ của Tuấn Anh. “Con ma” chấn thương đã cướp đi cơ hội của Tuấn Anh ở rất nhiều giải đấu quan trọng. Từ Sea Games 28, AFF Cup 2016 cho đến vòng chung kết U23 Châu Á 2018, các huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam luôn hy vọng một điều thần kỳ sẽ đến với Tuấn Anh. Họ sẵn sàng chờ Tuấn Anh cho đến ngày cuối cùng mới chốt danh sách dự giải. Người hâm mộ bóng đá nước nhà luôn phải nín thở, hồi hộp chờ xem chàng tiền vệ tài hoa của bóng đá Việt Nam có kịp hồi phục chấn thương để thi đấu hay không. Nhưng rồi, tất cả đều ngậm ngùi trong cay đắng: “Chúng ta lại mất Tuấn Anh”.

Những ngày vừa qua, câu chuyện cổ tích mà U23 Việt Nam viết nên tại vòng chung kết U23 Châu Á đã làm nức lòng người hâm mộ nước nhà. Người người nhà nhà hô vang tên của thủ môn Bùi Tiến Dũng, tiền vệ Lương Xuân Trường, tiền đạo Nguyễn Quang Hải và nhiều cầu thủ nữa. Những chàng trai U23 Việt Nam thật sự trở thành một “cơn sốt” bóng đá trên khắp cả nước như các cầu thủ U19 năm nào. Bỗng dưng, người hâm mộ lại chạnh lòng và xót xa cho chàng “Nhô”. Giá như, Tuấn Anh không tài năng đến thế, để rồi sự vắng mặt của anh luôn tạo ra cảm giác tiếc nuối. Giá như, cái đầu gối của Tuấn Anh không hành hạ chàng trai người Thái Bình nhiều như vậy. Giá như, người hâm mộ bóng đá nước nhà lại được hô vang cái tên “Tuấn Anh”, “Tuấn Anh” xung quanh chiếc xe buýt hai tầng diễu hành trên đường phố Hà Nội. Giá như...

Pha lê rất đẹp. Một vẻ đẹp mong manh, dễ vỡ. Bóng đá thế giới đã từng chứng kiến những “đôi chân pha lê” đẹp đến nao lòng. Sẽ không một người hâm mộ bóng đá Việt Nam nào muốn thấy Tuấn Anh gia nhập vào ngôi đền dành cho các “tài năng… bạc mệnh” như Owen Hargreaves, Micheal Owen hay Denilson. Tất cả đều hy vọng, “viên pha lê” mà tạo hóa đã ban tặng cho bóng đá Việt Nam sẽ sớm trở lại với đẳng cấp vốn có. Asiad 2018 có lẽ là sân khấu phù hợp để chàng nghệ sĩ có đôi chân pha lê được “nhảy múa” cùng quả bóng tròn, và dõng dạc tuyên bố: “Tuấn Anh đã trở lại”.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến