Hành Trình Di sản 6: Kiếp Nghèo

 “Chú ơi! Chú mua giúp con một cái để con có tiền ăn tối đi.”

Một bàn tay nhỏ nhắn khều nhẹ phía sau lưng, tôi quay lại và nhận ra mình đang đối diện với một cô bé trạc tuổi cháu gái tôi ở quê. Trong trang phục truyền thống của người H’Mong, gương mặt của cô bé bừng sáng giữa cái rét “cắt da cắt thịt” của đêm đông Sa Pa. Với giọng nói run rẩy cô bé cố gắng thuyết phục tôi mua những đồ vật xinh xinh đang đầm trên tay.

Thời điểm ấy nhiệt độ tại Sa Pa khoảng 13 độ C, dẫu cho thân nhiệt của một cư dân sinh ra ở vùng cao nhằm thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhưng với một đứa trẻ như cô bé điều này vẫn đang vượt quá khả năng. Không chỉ cô bé lạnh run người, em nhỏ đang nằm trong cái gùi đeo trên lưng cô bé cũng phản ứng lại với Ông trời bằng cách òa khóc thật to. Cảnh tượng khiến cho bất cứ một người có lương tri nào cũng phải rung cảm, do vậy tôi bỏ ngang việc ghi lại từng khoảnh khắc trên con phố nhỏ ở Sa Pa với chiếc máy ảnh để thực hiện một “cuộc giao dịch” nhỏ với cô bé.

“Cái này bao nhiêu hả con?”, tôi chỉ vào một đồ vật mà chính tôi cũng không biết gọi tên là gì.

“20 nghìn ạ”, cô bé đáp.

“Thế này nhé, chú sẽ mua món đồ này nhưng với điều kiện con cho phép chú chụp hình con nhé. Được không?”

Cô bé gật đầu ngay tắp lự.

Chụp khoảng hai, ba tấm tôi và người bạn đồng hành chào tạm biệt cô bé và tiếp tục dạo bước trên những con phố trung tâm tại Sa Pa. Bất chợt, tôi nhận ra sự run rẩy của cô bé không chỉ đến từ sự khắc nghiệt của thời tiết, mà còn thể hiện tâm trạng lo âu về cái-bụng-đói nếu không bán được. Từ đó, trong đầu tôi luôn lên một câu hỏi:

“Tại sao lại đặt gánh nặng mưu sinh lên vai những đứa trẻ như cô bé?”

Câu trả lời được “gói gọn” trong hai chữ: Nghèo đói.

Cô bé không phải đứa trẻ duy nhất bán hàng rong quanh khu vực Nhà thờ đá Sa Pa. Có một đội quân làm công việc này, phần lớn trong độ tuổi từ 5 đến 13, những đứa trẻ này sẽ chèo kéo khách du lịch mua một số mặt hàng lưu niệm. Cùng với các mẫu câu mời chào bằng tiếng Việt, các em còn sử dụng một số đoạn hội thoại giao tiếp tiếng Anh cơ bản với chất giọng lơ lớ. Khi một bạn nhỏ tìm được khách, những đứa trẻ khác ở xung quanh cũng bắt đầu tiếp cận vị khách du lịch khi cuộc mua bán đã hoàn tất. Theo quan sát của tôi, biểu cảm nhíu mày trên gương mặt của một số khách tham quan đã tố giác rằng việc chèo kéo của những đứa trẻ khiến họ cảm thấy bị làm phiền.

Sẽ thật không công bằng nếu đổ hết mọi tội lỗi lên những đứa trẻ này. Sa Pa và khu vực lân cận như xã Lao Chải, Tả Van, Tả Phìn là địa bàn cư trú của các tộc người thiểu số như H’mong, Dao Đỏ,... Trình độ dân trí ở những khu vực này còn nhiều hạn chế. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn là một vấn đề nhức nhối cho các cấp chính quyền. Với những ông bố, bà mẹ trẻ chưa có kiến thức về kế hoạch hóa gia đình, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào những thửa ruộng bậc thang thì việc đến trường để học cái chữ là một giấc mơ còn quá xa xỉ với nhiều đứa trẻ.

Bên cạnh đó, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và điều kiện khí hậu lí tưởng cho hoạt động du lịch nghỉ dưỡng là món quà vô giá mà Mẹ thiên nhiên đã dành tặng cho Sa Pa. Ngành dịch vụ ở thị xã vùng cao này theo đó cũng phát triển với tốc độ chóng mặt. Tuy vậy, một thực trạng đáng buồn là phần lớn nguồn tiền từ những hoạt động dịch vụ lại rơi vào túi tiền của các doanh nghiệp tư nhân, đời sống của cư dân bản địa chẳng có nhiều chuyển biến tích cực.

Khi sự phân hóa và khoảng cách giàu – nghèo ngày càng sâu sắc, lợi ích từ hoạt động dịch vụ không được phân phối đồng đều thì cách thức mưu sinh đưa những đứa trẻ chèo kéo khách du lịch thập phương cho thấy sự túng quẫn, cùng cực của một bộ phận người dân. Để chấm dứt vấn nạn lao động trẻ em đang diễn ra tại thị trấn Sa Pa không những cần đến sự phối hợp hành động của nhiều cơ quan ban ngành, đoàn thể của tỉnh Lào Cai, mà còn là sự lên tiếng của toàn xã hội.

Việt Nam là nước đầu tiên của Châu Á phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em vào năm 1990. Do vậy, sự xuất hiện những đứa trẻ bán hàng rong tại Sa Pa sẽ khiến nước ta vi phạm nghiêm trọng những điều đã kí kết, cùng với đó để lại hình ảnh không đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

Tôi hy vọng về một tương lai ở đó những đứa trẻ vùng cao sẽ không còn phải gánh trên vai áp lực nặng trĩu mưu sinh. Các em sẽ được sống đúng lứa tuổi, được đến trường để học cái chữ và thoát kiếp nghèo đói đã bám riết biết bao thế hệ của vùng đất này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến