Hành Trình Di sản 6: Chút Suy Nghĩ Nơi Con Sông Hồng Chảy Vào Đất Việt

 Tôi và người bạn đồng hành đặt chân đến thành phố Lào Cai trong một buổi sáng mùa đông se lạnh. Thật ra theo dự định ban đầu thì chúng tôi phải có mặt tại Sa Pa, nơi cách thành phố Lào Cai gần 40 cây số. Nhưng vì nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng ở thị xã du lịch nổi tiếng này quá lớn trong hai ngày cuối tuần nên lịch trình của chúng tôi có chút thay đổi. Và Lũng Pô – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt là điểm khởi đầu cho hành trình của chúng tôi.

Đường đi Lũng Pô có thể được chia thành hai giai đoạn.

Từ thành phố Lào Cai, chúng tôi di chuyển trên một con đường men theo sông Hồng – ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Không khó để nhận ra sự khác biệt giữa những cảnh vật hai bên bờ sông. Là vô tình hay một cách thị uy sức mạnh của “Thiên Triều”, tôi không chắc. Nhưng một người con đất Việt như tôi thoáng có chút chạnh lòng khi đặt vài ngôi nhà đơn sơ bên cạnh những tòa chung cư cao tầng; con đường bê tông sạch sẽ với tuyến cao tốc hiện đại, bề thế; những cột mốc được bảo vệ bởi tường rào đá trắng chứ không chỉ là những thanh gỗ sơn hai màu đỏ - trắng…

Tuy vậy, nhanh thôi, trong tôi trào dâng một niềm yêu thương trước vẻ đẹp bình dị của đất nước mình, thay vì sự hào nhoáng bên ngoài của “người hàng xóm”.

Sự êm đềm và bằng phẳng chính thức khép lại khi chúng tôi bắt gặp tấm bảng chỉ dẫn rẽ vào một con đường nhỏ đi “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt – điểm khởi đầu giai đoạn hai của cuộc hành trình. Đường hẹp và xấu, sỏi đá vương vãi khắp lòng đường khiến tôi và người bạn đồng hành nhiều lần nhảy dựng một cách không kiểm soát.

May sao, đoạn đường này không quá dài. Đi thêm một quãng ngắn, chúng tôi thoáng nhìn thấy lá cờ tung bay phấp phới giữa bầu trời trong xanh. Nó như là ngọn đèn dẫn lối cho chúng tôi tìm đến Cột cờ Lũng Pô. Từ trên đỉnh Kỳ đài, có thể dễ dàng quan sát được quan cảnh của ngã ba sông, nơi dòng Nguyên Giang sắc đỏ chạm mặt con suối Lũng Pô xanh màu ngọc bích tại đường phân thủy, để rồi khi mang cái tên rất Việt – “sông Hồng” nó đã thực hiện một chuyến du hành kéo dài hơn 700 Km trước khi đổ ra Vịnh Bắc Bộ tại cửa Ba Lạt (Thái Bình).

Chúng tôi tiếp tục tìm đường đến cột mốc 92 – địa danh được nhà thơ Dương Soái nhắc đến trong hai câu thơ: “Anh ở Lào Cai. Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt…” Đường đi cột mốc 92 đã bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng khi được chạm tay vào cột mốc mang số 92, điểm đầu tiên đánh dấu lãnh thổ Việt Nam tiếp nhận dòng nước mát lành của sông Hồng cảm xúc vẫn thật lâng lâng khó tả.

Bỗng dưng, một hình ảnh trước mắt kéo tôi về với thực tại. Chiếc xe xúc cát của Trung Quốc đang hoạt động vô cùng tích cực ở phía bên kia dòng suối Lũng Pô, cách vị trí chúng tôi đang đứng không quá xa. Nếu chỉ dừng lại ở hoạt động khai thác cát ở những bãi bồi ven sông thông thường, có lẽ tôi đã tặc lưỡi và không để ý nhiều. Song tôi chợt nhận ra mục đích của chiếc xe xúc cát này không chỉ đơn giản như vậy.

Phía trên là cột mốc đánh dấu phần lãnh thổ của Trung Quốc, nhờ vào hoạt động khai thác cát mà đường ranh giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện đang nằm giữa con suối Lũng Pô ngày càng tiến về lãnh thổ nước ta. Cùng với đó, diện tích về mặt suốt Lũng Pô đoạn gần ngã ba sông ngày càng bị thu hẹp dẫn đến nguồn nước của các tộc người thiểu số sinh sống tại khu vực biên giới Việt – Trung bị ảnh hưởng ít nhiều.

Tôi chắc rằng hoạt động khai thác của phía Trung Quốc đã diễn ra ròng rã trong khoảng thời gian dài. Tiếc rằng, nó vẫn không nhận được sự quan tâm đúng mực từ các cấp chính quyền ở Việt Nam.

Được tìm về Lũng Pô – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt là một trải nghiệm thú vị và bổ ích đối với tôi. Đồng thời nó cũng gợi cho tôi nhiều suy nghĩ về những mưu toan trong công cuộc bành trướng lãnh thổ của người Trung Quốc. Tham vọng bá quyền của quốc gia này luôn cần được nhìn nhận đúng mực nếu không muốn độc lập chủ quyền lãnh thổ của dân tộc ta bị đe dọa trong một tương lai không xa.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến