Hành Trình Di sản 6: Tiếng Ai Oán Trên Đèo Ô Qúy Hồ

Với chiều dài gần 50 Km, Ô Quý Hồ xứng danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc Việt Nam. Theo nhiều cư dân bản địa, tên gọi của con đèo này xuất phát từ chuyện tình giữa một chàng tiều phu và nàng tiên nữ trên trời. Chuyện kể rằng, sau lần tình cờ gặp ở thác Tình Yêu, hai người đã đem lòng yêu mến nhau. Nhưng thân phận giữa hai người quá khác biệt nên Nhà Trời không chấp nhận chuyện tình này. Vì quá thương nhớ chàng tiều phu dưới hạ giới, nàng tiên nữ đã hóa thành con chim lông vàng bay quanh đỉnh núi nơi chàng trai sinh sống, và cất lên ba tiếng “Ô Quý Hồ” đầy ai oán. Tôi không rõ đã có ai nghe được tiếng chim vang cả núi rừng của nàng tiên nữ này hay chưa, chỉ biết rằng đang có rất nhiều người yêu Ô Quý Hồ "khóc than" cho số phận hẩm hiu của con đèo này. Ô Quý Hồ đang "chết dần" vì sự vô cảm và tham lam của loài người. 



Nhiều năm về trước, trên tuyến quốc lộ 4D nối liền giữa Lào Cai và Lai Châu, có một địa điểm được những người yêu thích chủ nghĩa xê dịch ưu ái dành tặng cho cái tên: Cổng Trời Ô Quý Hồ. Từ vị trí này có thể ngắm nhìn con đèo Hoàng Liên vắt ngang qua dãy núi như dải lụa đào của các thiếu nữ thời phong kiến; phía đằng xa, một thung lũng nhỏ bé đang bị "bao vây" bởi những khối núi khổng lồ. Hoàng hôn là thời điểm lí tưởng nhất để thưởng ngoạn cảnh sắc Cổng Trời Ô Quý Hồ, khi những tia nắng cuối cùng trong ngày xuyên qua những đám mây, phủ một màu vàng óng ánh lên màu xanh trầm buồn, tĩnh lặng của núi rừng Tây Bắc. Nhưng giờ đây, khung cảnh tuyệt mĩ này chỉ còn trong kí ức và hoài niệm của nhiều người. 

Kể từ tháng 7/2019, các điểm dừng chân của một số hộ dân trên đỉnh đèo Ô Quý Hồ đã bị UBND huyện Tam Đường (Lai Châu) buộc phải tháo dỡ. Giải thích cho quyết định này, UBND huyện Tam Đường đưa ra hai lý do như sau: thứ nhất, phần lớn các hàng quán chỉ là các lều lán, không đủ kết cấu vững chắc để đảm bảo an toàn sinh mạng của du khách; thứ hai, vị trí đặt các hàng quán nằm trên một khúc cua tay áo, nếu một số lượng lớn các phương tiện cơ giới đường bộ (xe ô tô, xe máy, v.v...) tập trung tại cùng một thời điểm sẽ tạo nên cảnh tượng tắc nghẽn, là mối hiểm họa khôn lường với những người tham gia giao thông trên đèo Ô Quý Hồ. 

Song, thực tế cho thấy sự việc không chỉ đơn giản như vậy.


Có hai dự án trên đèo Ô Quý Hồ đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng trước khi đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch thập phương. Dự án thứ nhất, rất đáng chú ý, có tên khu du lịch cầu kính Rồng Mây. Công trình này do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn thực hiện trên địa phận huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Khu du lịch này có rất nhiều dịch vụ cao cấp như Bungalow, bể bơi điều hòa hay hoạt động giải trí mạo hiểm như nhảy Bungee, trượt Zipline, dù lượn, v.v... Dù vậy điểm nhấn chủ đạo của khu du lịch vẫn là cây cầu kính cao nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại, với độ cao hơn 2000m so với mực nước biển. Sự hấp dẫn của cây cầu kính này nằm ở chỗ tạo cho du khách cảm giác như được lơ lửng trên không và phóng tầm mắt chiêm ngưỡng non cao trùng điệp của Hoàng Liên Sơn. 


Dự án thứ hai là tổ hợp nhà hàng - khách sạn - khu du lịch tâm linh cách khu du lịch cầu kính Rồng Mây khoảng 3 Km, được công ty cổ phần Pusamcap Lai Châu xây dựng trên nền đất mà ngày trước là nơi nghỉ chân của các vị khách đường xa sau chuyến đi quá đỗi mệt nhoài. Cái cảm giác cầm trái ngô nướng nóng hổi trên tay, hít hà thưởng thức vị ngọt, bùi của củ khoai lang, mùi thơm tỏa ra từ những ống cơm lam hay nhấm nháp ly trà bên bếp củi trong tiết trời giá lạnh của Tây Bắc để lại những dư vị thật khó quên. 

Tuy nhiên tất cả đã thuộc về quá khứ, còn hiện tại trước mắt tôi là một quán cafe 3 tầng sang trọng, bề thế. Đối diện với công trình này là một đài phun nước, thẳng lối có con đường nhỏ xinh men theo triền đồi dẫn lên khu vực để du khách chụp ảnh kỉ niệm. Tại đây có hai cột bê tông sừng sững, nom không khác là bao so với "phiên bản gốc" trong đền Pura Lempuyang Luhur (Bali, Indonesia). Ngoài ra còn có "Nấc thang lên thiên đường", cấu trúc "vay mượn" ý tưởng của một địa điểm rất nổi tiếng ở thành phố Đà Lạt. Và Ô Quy Hồ Tự, trọng điểm của khu du lịch tâm linh có mô thức thiết kế nhiều nét tương đồng Chùa Đồng (danh thắng Yên Tử, Quảng Ninh). 

Nằm giữa hai dự án này (trước tháng 07/2019) là dãy hàng quán của 24 hộ dân trên đỉnh đèo Ô Quý Hồ. Hiện nay, sau quyết định tháo dỡ lều lán tự phát của chính quyền huyện Tam Đường, chỉ còn trơ trọi Lù Cúc quán vì công trình này nằm trên đất thổ cư thuộc quyền sử dụng của gia đình chị. Trong đoạn clip một Youtuber phỏng vấn các hộ dân, họ cho biết UBND huyện Tam Đường hứa hẹn rằng sau khi thực hiện cưỡng chế sẽ tạo điều kiện để các hộ dân này được buôn bán tại các kiosk (ki-ốt) trong khu phức hợp Ô Quý Hồ Café (dự án thứ hai) khi hoàn thiện.

 

Trớ trêu thay, trước khi chuyển đến vị trí làm lều lán tạm bợ phục vụ khách du lịch thưởng ngoạn cảnh sắc Cổng Trời Ô Quý Hồ, thì các hộ dân trên phải nhường đất cho chính công ty cổ phần Pusamcap Lai Châu và được UBND huyện Tam Đường động viên "cho doanh nghiệp làm thật nhanh để bà con có chỗ đặt ki-ốt buôn bán". Thậm chí, họ còn không nhận được tiền hỗ trợ tái định cư để tiếp tục công việc mưu sinh từ chính quyền huyện Tam Đường, mọi lời hứa trước đây đều trôi đi như "gió thoảng mây bay". Mặc dù về nguyên tắc, đây là những công trình tự phát và UBND huyện Tam Đường không có trách nhiệm phải bồi thường cho các hộ dân. Thế nhưng, nó đã tố cáo thái độ vô cảm trước cơn bĩ cực của những người dân nghèo từ phía chính quyền huyện vùng cao này.


Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng có sự móc ngoặc về mặt lợi ích kinh tế giữa UBND huyện Tam Đường và các công ty thực hiện các dự án trên đỉnh đèo Ô Quý Hồ. Vô hình trung, việc tháo dỡ các hàng quán, lều lán quanh khu vực này khiến mọi nguồn lợi từ việc khai thác hoạt động dịch vụ từ cảnh sắc hùng vĩ của Cổng Trời Ô Quý Hồ đều rơi vào túi của doanh nghiệp và chính quyền địa phương. 

Rốt cuộc, con đèo Ô Quý Hồ giờ đây không chỉ nghe được tiếng ai oán của nàng tiên nữ mỏi mòn đi tìm chàng tiều phu. Mà còn chứa đựng tiếng ai oán của những người dân nghèo đang đứng trước cảnh "màn trời chiếu đất" vì những khoản tiền nợ khổng lồ chưa biết đến khi nào mới có thể trả hết. Là tiếng ai oán của những người yêu Ô Quý Hồ khi cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc giờ đây chỉ còn trong hoài niệm những chuyến đi muôn trùng gian khó năm xưa. 

Và, tiếng ai oán thảm thiết của con đèo huyền thoại vùng núi Hoàng Liên Sơn. Vì lòng tham vô độ của con người, họ sẵn sàng "băm nát", "xẻ thịt" nó với những dự án hàng chục, hàng trăm hecta như người bạn Mã Pì Lèng. Linh hồn, biểu hiện cao quý nhất của sự sống, giờ đây đã không còn trong thân xác tả tơi của Ô Quý Hồ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến