Hành Trình Di sản 2: Bắc Bộ Phiêu Lưu Ký (Phần 1)

Du ngoạn đất Kinh Bắc

Vùng đất Kinh Bắc là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước, quê hương của làn điệu dân ca quan họ. Nơi đây còn lưu giữ hàng trăm di tích đền đài, lăng tẩm qua các triều đại phong kiến và những danh thắng lịch sử có giá trị. Và Chùa Dâu, ngôi chùa phật giáo cổ nhất của Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên trong cuộc hành trình “Bắc Bộ phiêu lưu ký” của chúng tôi.

Con đường tìm đến ngôi chùa cổ này không hề “bằng phẳng” như chúng tôi vẫn nghĩ. Xuất phát từ Bụi Xuyên Việt từ lúc 8h30, theo dự tính chúng tôi sẽ đến huyện Thuận Thành vào lúc 9h30 hoặc trễ hơn một tí là 10 giờ kém. Nhưng tôi quên mất đó là thời gian di chuyển lý tưởng khi không tính đến các vấn đề phát sinh như kẹt xe, lạc đường, công an, … 


May mắn” làm sao, những vấn đề ấy chúng tôi đều gặp cả, thậm chí riêng chuyện lạc đường thì không dưới 2 lần. Dù hơi chật vật nhưng cuối cùng chúng tôi cũng có mặt tại trung tâm phật giáo đất Việt một thời khi đã gần trưa. Chùa Dâu còn có tên là chùa Pháp Vân vì thờ Pháp Vân, một trong tứ pháp (Mây, mưa, sấm, chớp). Cũng như giống như nhiều ngôi chùa khác ở Việt Nam, chùa Dâu đã trải qua nhiều lần tu sửa và trùng tu nhưng cơ bản vẫn giữ được kiến trúc như thuở ban đầu. 

Tuy vậy, một số công trình kiến trúc đã không còn được nguyên vẹn, tiêu biểu là tháp Hòa Phong khi ban đầu xây dựng thì nó có 9 tầng, nay chỉ còn 3. Nhưng bên cạnh đó, chùa Dâu vẫn còn lưu giữ một số pho tượng có giá trị nghệ thuật rất cao như tượng Pháp Vân, tượng các vị La Hán hai bên hành lang, tượng một con cừu đá (con cừu còn lại nằm ở lăng Sĩ Nhiếp) hay một số trạm trổ rồng đá. 

Thật sự là tôi chọn chùa Dâu làm điểm đến trong cuộc hành trình này phần nhiều vì giá trị lịch sử của nó chứ muốn truyền đạt cho những thành viên còn lại trong nhóm thấy được hết nét đặc sắc trong kiến trúc của nó thì e là tôi chưa đủ tầm. Nhưng vì thời gian không có nhiều nên chúng tôi phải nhanh chóng di chuyển qua địa điểm tiếp theo khi chưa kịp tìm hiểu hết nét đặc sắc của ngôi chùa cổ này. Và cũng không ngờ một điểm đến thú vị ngoài kế hoạch đang chờ đợi nhóm trên đường đi …

Điểm đến thứ hai của chúng tôi sau chùa Dâu là làng tranh Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nhưng trước khi tham quan làng tranh chúng tôi đã ghé thăm một địa điểm vô cùng thú vị nằm ngoài kế hoạch ban đầu. Chuyện là khi đi trên tỉnh lộ 20 từ chùa Dâu về làng tranh Đông Hồ chúng tôi đã bắt gặp một khu vực có cây cối um tùm và trông giống lăng mộ cổ. Khi đó tôi cũng không để ý lắm và vẫn tiếp tục lái xe máy chạy qua. 

Đột nhiên, Dương nhìn bảng chỉ dẫn và nói rằng chúng tôi vừa đi ngang qua lăng Kinh Dương Vương. Sau vài giây tôi mới kịp định thần là Dương nói điều gì, và khi não bộ đã hoạt động bình thường trở lại tôi ra hiệu cho cả nhóm quay xe hướng về khu lăng mộ. Phải nói rằng nếu không phải là một người thích quan sát hay không có mục đích tham quan thì sẽ rất dễ bỏ qua khu lăng mộ này. Khu lăng khá bề thế, được xây dựng trên một khu đất ven sông và hướng mặt về dòng sông Đuống nghiêng nghiêng uốn lượn. Lăng Kinh Dương Vương sau một thời gian bị bỏ hoang phế thì dạo gần đây đã được các cấp lãnh đạo chú ý đến nhiều hơn. 

Và cũng phải nói thêm rằng tôi thật sự ngán ngẩm vì nhờ sự “chú ý” này mà họ đã úm ba la một khu lăng mộ có niên đại gần 5000 năm thành công trình nhìn như mới xây trong 5 năm. Nhưng thôi, chuyện này không hiếm ở Việt Nam và tôi buộc phải chấp nhận sự thật đau lòng đó. Bỏ qua những điều không vui trên thì tôi tin rằng cả nhóm đã có thêm một số trải nghiệm thú vị tại nơi an nghỉ nghìn thu của vị vua thủy tổ dân tộc Việt. Vượt lên trên tất cả chúng tôi thật sự đã trở về với nguồn cội của mình.

Sau một hồi lòng vòng thì cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đến nhà của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam tại làng tranh Đông Hồ. Nhưng khi đến nơi chúng tôi lại gặp con dâu trưởng của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, người đã gắn bó với làng tranh Đông Hồ hơn 40 năm và là nữ nghệ nhân làng nghề đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh. Bà tên là Nguyễn Thị Oanh. Không những được bà giới thiệu những nét tiêu biểu và đặc trưng của dòng tranh dân gian Đông Hồ, mà chúng tôi còn được nghe bà trải lòng về cuộc đời và những thăng trầm của làng nghề. 

Trước khi đến với ngôi nhà của ba thế hệ nghệ nhân này, chúng tôi cũng đã dạo quanh làng Đông Hồ và thấy được hiện trạng những người dân trong làng chuyển đổi sang nghề làm vàng mã vì không thể “sống” được với nghề. Và sau khi nghe những lời thật sự tâm huyết với nghề của bà, chúng tôi quyết định ngoài việc mua những bức tranh dân gian Đông Hồ về làm kỷ niệm, đây còn là chút đóng góp để duy trì sự tồn tại của làng tranh Đông Hồ, một trong những nét văn hóa tiêu biểu của làng quê Bắc Bộ Việt Nam.

Cuộc hành trình của chúng tôi được tiếp tục với đền Lý Bát Đế, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý. Đây là một trong những địa điểm tôi thích nhất và cũng gây sự tiếc nuối nhiều nhất. Thích vì việc quy hoạch và hướng dẫn cho khách du lịch ở Bắc Ninh rất chi tiết và cụ thể. Bên cạnh đó, tôi còn cơ hội giới thiệu sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp của các vị vua triều Lý cho các thành viên trong nhóm. 

Thật ra, tôi vẫn luôn nghĩ những thông tin như thế này nhớ được thì tốt, còn không biết cũng chả sao. Chỉ mong là trong những điều tôi truyền đạt thì bọn hắn vẫn nhớ được Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên, Lý Thái Tông là người cho xây dựng chùa Diên Hựu, Lý Thánh Tông cho đổi tên nước thành Đại Việt, Lý Nhân Tông là vị vua có thời gian trị vì dài nhất trong lịch sử Việt Nam, Lý Anh Tông là vị vua đầu tiên được các triều đại phong kiến phương Bắc phong làm An Nam Quốc Vương và vị vua cuối cùng của triều Lý không được thờ ở đây. À mà viết ra thấy hơi nhiều nhỉ (cười). 

Còn điều làm tôi tiếc nuối nhất là không đủ thời gian để tham quan một số lăng mộ các vị vua nhà Lý. Dù với nhiều người điều này trông có vẻ vô nghĩa, nhưng tôi nghĩ đó cũng là một cách để thể hiện sự kính trọng và tri ân với công đức của các bậc tiền nhân. 

Rời đền Lý Bát Đế chúng tôi nhanh chóng di chuyển qua Đền Rồng. Đây là nơi thờ tự của vị nữ hoàng duy nhất của Việt Nam, vị vua cuối cùng của nhà Lý, Lý Chiêu Hoàng. Đền Rồng là địa điểm mà khi lập kế hoạch tôi thề rằng bằng mọi giá sẽ đến cho bằng được. Lý do là tôi rất thương cảm cho số phận của Lý Chiêu Hoàng, và cùng với An Tư công chúa đây là hai người phụ nữ tôi kính trọng nhất trong lịch sử Việt Nam. Cuộc đời Lý Chiêu Hoàng là một chuỗi những bi kịch, những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời đều không do bà tự quyết định. 

Và tôi có nói vui với các thành viên trong nhóm rằng: Có lẽ vì chiếu dời đô dài 214 chữ, nếu tính từ lúc Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long đến lúc Lý Huệ Tông bị phế truất dài đúng 214 năm nên người ta mới “quên” đi 1 năm trị vì ngắn ngủi của Lý Chiêu Hoàng. May thay, nhân dân không quên những đóng góp của bà cho lịch sử dân tộc. Cuộc đời này đâu đó vẫn còn chút công bằng …

Đó là địa điểm cuối cùng chúng tôi tham quan ở vùng đất Kinh Bắc. Thật sự mảnh đất này còn ẩn chứa biết bao những điều thú vị mà chúng tôi chưa có dịp để khám phá hết. Hẹn Bắc Ninh một ngày gần đây, còn giờ thì tiến về Phố Hiến nào.

Google Maps

Sau một ngày dài rong ruổi ở Bắc Ninh thì chúng tôi quyết định chọn TP. Hưng Yên là địa điểm dừng chân tối hôm ấy. Nhưng trên con đường từ TX. Từ Sơn về TP. Hưng Yên đã có biết bao câu chuyện thú vị mà mỗi khi nhớ lại chúng tôi không thể nhịn nổi cười. Một trong số đó có liên quan đến thành viên thứ 5 trong nhóm, hắn tên là Google Maps (GM). 

Là những đứa ở miền Nam ra, hoàn toàn mù tịt về đường xá, đã vậy lại không có một ai quen để dẫn đường nên chúng tôi phải trông cậy hết vào GM. Dẫu biết là trong cuộc hành trình này GM đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc dò tìm những cung đường ngắn và dễ đi nhất, nhưng đôi lúc hắn cũng đặt chúng tôi trong trạng thái bất an và hoang mang. Và chiều ngày hôm ấy là một lần bất an như thế. 

Chuyện là sau khi tham quan Đền Rồng chúng tôi nhanh chóng tìm đường về TP. Hưng Yên để nghỉ ngơi trước lúc trời tối. Vẫn như thường lệ bốn đứa hoàn toàn đặt niềm tin vào GM và yên tâm đi theo sự chỉ dẫn của hắn. Chẳng biết hắn chọn cung đường trời đánh nào mà chúng tôi phải đi xuyên một cái chợ, cái đường đi trong chợ chỉ vừa đủ cho một xe máy, đã vậy còn rẽ vào những ngóc ngách mà tôi với Dương hay nói với nhau “đúng là chỉ có anh Gúc-gồ mới biết”. 

Chưa hết, khi vừa ra khỏi cái chợ thì ma xui quỷ khiến thế nào hắn dẫn Khánh chạy lên … đường cao tốc dành riêng cho xe ô tô. May mà lúc đó chẳng có anh công an đẹp-zai nào hú lại chứ không là toi cả lũ. Sau vụ đó thì GM biết thân biết phận hơn và soi đường dẫn lối giúp chúng tôi có mặt tại TP. Hưng Yên một cách bình an. Nhưng khi vào đến thành phố thì chúng tôi lại gặp một rắc rối khác…

Thành phố Buồn

Chúng tôi đặt chân đến thành phố Hưng Yên tầm 6 giờ tối. Trong suy nghĩ của chúng tôi thì chỉ mất thêm một tiếng rưỡi cho việc tìm khách sạn, bỏ hành lý cũng như tắm rửa các kiểu trước khi đi ăn tối. Nhưng đời không ai biết được chữ ngờ. Vòng vòng đi hết đường Điện Biên Phủ vẫn không thấy, đi qua mấy con đường nhỏ hơn như Nguyễn Thiện Thuật, Bãi Sậy thì chỉ có một cái khách sạn mà nhìn thấy là đủ hiểu “nó và chúng tôi không thuộc về nhau”. Và sau một hồi tìm kiếm vất vả cuối cùng chúng tôi cũng thấy một cái nhà nghỉ vừa tầm nằm trên đường Tô Hiệu. 

Ôi trời ơi! Đây là câu đầu tiên mà tôi đã bật ra khi nhìn thấy căn phòng có giá trị 250.000 đồng/đêm. Đầy đủ tiện nghi, rộng rãi, thoáng mát, tóm lại là trên cả tuyệt vời. Nhưng nó cũng đặt ra cho tôi một câu hỏi về sự phát triển của ngành dịch vụ thành phố Hưng Yên. Phải chăng do bị kẹt giữa các trung tâm du lịch nên TP.Hưng Yên cũng không mặn mà lắm với ngành kinh tế này? Mà thôi, chuyện này do các cấp lãnh đạo tỉnh ủy phụ trách chứ. Việc của tôi là tìm quán ăn cho nhóm, đứa nào đứa nấy sắp xỉu vì đói bụng rồi. 

Nhưng công cuộc đi tìm quán ăn cũng gian truân không kém cạnh việc đi tìm nhà nghỉ. Phần vì lúc đó cũng khuya (gần 9h đêm), phần vì như tôi nói ở trên dịch vụ không phải là thế mạnh của thành phố này. Rồi thì chúng tôi cũng tìm được một quán hoành thánh. Nghe lạ nhỉ? Vì trước giờ chúng tôi chỉ mới nghe miền Nam mới có hoành thánh. Nhưng sau một hồi tán dóc với anh, chị chủ quán mới phát hiện họ học “bí kíp” trong Sài Gòn rồi về Bắc lập nghiệp, dù nói thật là tô hoành thánh mà chúng tôi ăn chẳng còn tí hơi thở nào của người Hoa. 

Có lẽ lâu lâu mới có người Nam ghé qua thành phố này nên chủ quán cũng rất nhiệt tình, thậm chí còn chiêu đãi chúng tôi nhãn lồng Hưng Yên. Bỏ qua chuyện đây có phải là nhãn lồng chính hiệu không nhưng chúng tôi cảm nhận được sự nồng hậu của anh, chị và mong là sẽ trở lại quán khi lần tới trở lại TP. Hưng Yên. Sau khi no bụng với tô hoành thánh thì chúng tôi còn được tráng miệng bằng trà sữa. 

Phải nói là lâu rồi mới được uống một ly trà sữa ngon như thế, chắc là do họ tự làm (theo lời Dương). Ăn uống no nê rồi giờ là lúc để chúng tôi quăng mình xuống nệm và có một giấc ngủ sâu. “Mọi chuyện rồi sẽ ổn”, chúng tôi luôn tự động viên nhau như thế.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến