Hành Trình Di sản 2: Bắc Bộ Phiêu Lưu Ký (Phần 2)

Tiền ơi! Chào mi

Buổi sáng Hưng Yên thật yên tĩnh và thanh bình, và tôi cảm thấy thành phố này có khá nhiều điểm tương đồng với TP. Kon Tum, nơi tôi đã sống trong một khoảng thời gian khá dài. Nếu có thêm thời gian thì có lẽ chúng tôi đã ghé qua chợ Phố Hiến và Văn miếu Xích Đằng để tham quan cho biết. Nhưng thôi, không nên tham lam quá. Giờ là lúc chúng tôi phải tiếp tục cuộc hành trình với chặng Hưng Yên - Nam Định. 

Trên con đường từ TP. Hưng Yên về TP. Nam Định chúng tôi có ghé qua một di tích lịch sử – văn hóa rất nổi tiếng là đền Trần Thái Bình. Đây không phải là điểm đến có trong ban đầu của chúng tôi, nhưng “vô tình” nó lại nằm trên cung đường mà GM chỉ dẫn nên chúng tôi vẫn quyết định sẽ vô tham quan mặc dù lúc ấy đã đi quá khoảng 5 Km. Chỉ là không ngờ là tại đây chúng tôi đã có một “kỷ niệm” mà chắc chắn không đứa nào có thể quên được.

Đền Trần nằm trên vùng đất phát tích của vương triều Trần, nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Nơi đây là một quần thể di tích lăng mộ, đền thờ các vị vua quan nhà Trần. Là nơi an nghỉ vĩnh hằng của ba vị hoàng đế đầu triều là Thái Tông Trần Cảnh, Thánh Tông Trần Hoảng và Nhân Tông Trần Khâm, cùng với các vị tiên tổ của nhà Trần như Trần Lý, Trần Thừa, … 

Trong lúc tôi đang giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp các vị vua nhà Trần thì có một bác thuộc ban quản lý đến hỏi tên, tuổi các thành viên khác trong nhóm. Ban đầu cũng không để ý, đến lúc luyên thuyên xong thì bác ấy hỏi đến danh tính và quê quán của tôi. Cũng chột dạ và thấy lạ là tại sao bác ấy phải hỏi kỹ càng như thế. Và khi bác ấy nói rằng mình viết sớ lên các vua Trần để cầu may mắn, bình an gì đấy thì tôi mới tá hỏa. “Thôi chết rồi, cái cảnh này thấy quen lắm”, tôi thầm nghĩ. Sự lo lắng của tôi là không thừa khi ngay câu sau bác ấy mong muốn nhận 300.000 tiền nhuận bút. 

Lại một lần nữa chúng tôi phải diễn lại cái bài ca “sinh viên nghèo” để rồi bác ấy cũng đồng ý giảm xuống 200.000, mặc dù không được vui cho lắm. Bác ấy không được vui một thì Dương không vui bảy, còn tôi thì không vui tới mười. Bao nhiêu tâm sự muốn giãi bày cùng các vị hoàng đế trôi đi đâu hết, giờ chỉ còn sự tức giận với chính bản thân vì đã đi khá nhiều di tích lịch sử – văn hóa mà vẫn để bị lừa. 

Sự tức giận đó đã khiến cho tôi và các thành viên muốn đi về ngay, dù ban đầu chúng tôi mong được thắp nén nhang cho 3 vị hoàng đế đầu triều. Đây là một trong những tiếc nuối lớn nhất của tôi khi nhìn lại cuộc hành trình đã qua. Nhưng nếu nghĩ theo hướng tích cực thì 200.000 “tiền ngu” này cũng là một lời cảnh tỉnh cho sự nhẹ dạ, cả tin và giúp chúng tôi thông minh và sáng suốt hơn trong những chặng đường sắp tới. 

Chào đất Thành Nam

Sau khi rời đền Trần chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình với điểm đến là TP. Nam Định. Nhưng khi vừa đến huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình thì chúng tôi lại gặp sự cố mang tên thủng lốp xe. Rất may là ngay gần đó có tiệm sửa xe nên cũng đỡ, mặc dù vậy chúng tôi cũng đã mất kha khá thời gian và điều này làm thằng leader như tôi cực kỳ lo lắng. 

Sự lo lắng của tôi là không thừa khi buổi sáng chúng tôi đã đi Đền Trần Thái Bình, một điểm đến nằm ngoài dự tính, đến buổi trưa gặp sự cố này nữa nên khả năng cao là buổi chiều sẽ phải có sự thay đổi trong kế hoạch. Cuối cùng sau bao nhiêu phong ba bão táp chúng tôi cũng đến được TP. Nam Định và có thể gửi lời chào đất Thành Nam.

Địa điểm đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến TP. Nam Định là cụm di tích đền Trần – Chùa tháp Phổ Minh. Đền Trần Nam Định được xây dựng trên nền Thái Miếu cũ của nhà Trần, gồm có 3 khu vực chính: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa. Nhưng vì hơi hấp tấp nên chúng tôi chỉ tham quan được đền Cố Trạch, nơi thờ gia đình Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng các gia tướng. Sau khi rời đền Trần thì chúng tôi di chuyển qua chùa tháp Phổ Minh, địa điểm chỉ cách đền Trần khoảng 1 Km. 

Chùa tháp Phổ Minh nổi tiếng với ngọn tháp cùng tên. Ngọc tháp này là một trong những công trình kiến tiêu biểu của nhà Trần và là nơi đang lưu giữ xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đặc biệt, chùa – tháp Phổ Minh từng là nơi lưu giữ vạc Phổ Minh, một trong bốn bảo vật được xếp vào “An Nam tứ đại khí” của đất Việt dưới thời Lý – Trần.

Vì kiến thức còn hạn hẹp nên tôi chỉ có thể thuyết minh cho các thành viên còn lại đến thế. Một lý do nữa để ngụy biện là tôi khá đói và cần tiếp thêm năng lượng vì từ sáng đến giờ đi khá nhiều mà ăn chả bao nhiêu. Và không gì tuyệt vời hơn khi đang đói mà lại có một tô phở trước mặt. Tôi đã từng nghe ai đó nói: “Nếu bạn đến đất Thành Nam mà chưa ăn phở Nam Định thì thật là một thiếu sót lớn”. 

Thế nên chúng tôi đã chọn một quán phở để ăn trưa, nhưng đến khi chọn món thì tôi lại quyết định ăn … cơm rang cho sốc. Chẳng biết có ai sốc không chứ tôi thật sự choáng khi nhìn thấy tô cơm rang to bà chảng đó. Và phải nhờ đến tài “vét máng” của Hạnh thì tôi mới có thể giải quyết dứt điểm được tô cơm rang kinh dị ấy. Ăn uống và nghỉ trưa một lúc thì chúng tôi tìm đến một trong những biểu tượng của TP. Nam Định, cột cờ Thành Nam. 

Và đây cũng là điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi tại thành phố này trước khi đến với một trong những địa danh nổi tiếng nhất của tỉnh Nam Định, địa điểm làm tôi háo hức và chờ đợi nhất, nhưng cũng gây sự thất vọng nhiều nhất.

Nỗi buồn Nhà thờ đổ

Nhà thờ đổ Nam Định trước đây gọi là nhà thờ Trái Tim nằm ở xã Hải Lý, huyện Hải Hậu. Đây là một công trình đã hoang tàn, bên trong đã bị phá hủy hoàn toàn và chỉ còn lại khung xương bên ngoài. Vậy nhà thờ này có gì đặc biệt mà nổi tiếng đến vậy? 

Một phần lý do là nhờ sự điêu tàn và cổ kính của một trong những nhà thờ đổ còn sót lại trên bãi biển. Nhưng trên hết chính là khoảnh khắc những tia nắng Mặt Trời chiếu rọi vào nhà thờ đổ vào buổi bình minh hay lúc chiều tà, đó thật sự là những kì quan của tạo hóa ban tặng. Khi chiêm ngưỡng những bức ảnh mà một số đàn anh, đàn chị chụp được thì lập tức tôi đưa nó vào danh sách những địa điểm phải đến trong cuộc hành trình lần này. Vậy nhưng … 

Trước mắt tôi là một sự lấn chiếm vô tội vạ của con người, họ làm thành những cái chòi bao quanh nhà thờ đổ. Tôi hoàn toàn thông cảm cho những người dân vì họ cũng chỉ vì cuộc sống, vì sự sinh tồn của gia đình chứ họ đâu có thời gian và tinh tế để có thể cảm nhận được vẻ đẹp đó như chúng tôi. Tôi cũng không thể oán trách những người làm du lịch Nam Định tại sao họ lại không bảo vệ công trình này. Đây là một nhà thờ bỏ hoang và không thu lợi lớn thì việc gì họ phải tốn công bảo tồn và gìn giữ. Tôi chỉ có thể trách định mệnh đã không cho chúng tôi đến sớm hơn để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho nhà thờ đổ. 

Theo dự báo trong tương lai chúng ta sẽ không còn được trông thấy nhà thờ đổ nữa vì sự dâng lên của nước biển, nhưng trước đó trước đó con người cũng đã tự tay “giết chết” công trình này rồi. Nhà thờ đổ đã chết về thể xác một lần, và giờ đây nó cũng mất luôn đi cả linh hồn. Một buổi chiều buồn cùng nhà thờ đổ Nam Định…

Bình minh trên biển Thịnh Long

Tạm gác nỗi buồn nhà thờ đổ qua một bên, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình với điểm đến tiếp theo là bãi biển Thịnh Long. Do đây là một bãi tắm còn hoang sơ và chưa được biết đến nhiều nên Thịnh Long vẫn còn giữ được những nét mộc mạc và chân chất như người dân lao động nơi đây. Và còn gì tuyệt vời hơn khi được hít thở không khí trong lành vào buổi sáng sớm và đón bình minh trên bãi biển này. Lúc đó bạn sẽ có cảm giác như con người và thiên nhiên hòa vào làm một vậy. Nếu có cơ hội hãy đến bãi biển Thịnh Long và thử cảm giác ấy một lần nhé (nháy mắt).

Cuộc hành trình “Bắc Bộ phiêu lưu ký” lại được tiếp tục khi chúng tôi tìm đường đến một công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình. Trên đoạn đường từ Thịnh Long về thị trấn Phát Diệm chúng tôi lại có thêm trải nghiệm khi di chuyển bằng một hình thức tương đối mới lạ với các thành viên trong nhóm đó là đi Phà. Thậm chí chúng tôi còn được đi đến hai lần khi lần đầu đi qua sông Ninh Cơ, lần sau thì qua sông Đáy. 

Cảm giác thế nào hả? Thích thú nhưng cũng lo sợ, đặc biệt là lúc qua sông Đáy tôi có cảm giác hơi bất an nhưng may mà không chuyện gì xảy ra. Dù thế nào thì vẫn rất vui khi lại có thêm một trải nghiệm thú vị trong chuyến đi này, nếu có cơ hội thì tôi muốn đi thêm nhiều lần nữa để xem thử trái tim bé nhỏ của mình có run rẩy như lần đầu không (haha).

Ninh Bình - Viên kim cương của du lịch Việt Nam

Tôi đã từng nói với một số người bạn rằng: Nếu bạn muốn đi du lịch tâm linh thì hãy đến với Quảng Ninh. Bạn chỉ muốn ngắm cảnh đẹp và thư giãn đầu óc trong một kì nghỉ ngắn ngày? Okie, hãy đến với Phú Yên. Bạn muốn có sự yên tĩnh và thích khám phá các di tích văn hóa – lịch sử? Huế là một sự lựa chọn tuyệt vời. Còn nếu bạn muốn có tất cả những thứ đó mà không phải di chuyển quá nhiều? Đừng suy nghĩ nhiều nữa hãy đặt vé đến Ninh Bình.

Cả nhóm đã có những kỷ niệm thật đẹp và trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trong hai ngày ngao du sơn thủy ở vùng đất này. Chúng tôi thích thú trước sự cổ kính và độc đáo của nhà thờ đá Phát Diệm, một nhà thờ công giáo nhưng mang nhiều nét kiến trúc truyền thống của đình chùa Việt Nam; yêu sự uy nghi và trầm mặc của cố đô Hoa Lư, nơi từng là kinh đô qua ba triều đại trong lịch sử Việt Nam; cảm thấy không bỏ công leo hàng trăm bậc thang để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Bích Động, nơi được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động”; lo lắng xen lẫn háo hức khi chờ chim về tại khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham, vỡ òa khi ngắm từng đàn chim sải cánh bay về tổ trong buổi chiều tà; lặng người trước vẻ đẹp của cảnh sắc khu danh thắng Tràng An; ngưỡng mộ bàn tay tài hoa của những người thợ đã kiến tạo nên khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính; Và trầm trồ trước vẻ đẹp của non nước Đầm Vân Long. 

Tất cả đã hòa quyện để tạo nên một bức tranh Ninh Bình có vẻ đẹp thần thoại, hùng vĩ và cũng rất nên thơ. Có thể nói Ninh Bình thật sự là viên kim cương mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước Việt Nam.Ninh Bình cũng là điểm đánh dấu sự kết thúc của cuộc hành trình “Bắc Bộ phiêu lưu ký” của chúng tôi. Phải nói rằng trong suốt bốn ngày ấy bốn đứa đã được mở rộng tầm mắt và có sự “trưởng thành” hơn trong cách nhìn nhận về cuộc sống, điều này đặc biệt cần thiết với những đứa muốn làm báo đời như tôi. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, đến lúc này mới tôi mới thấm nhuần câu tục ngữ quen thuộc ấy.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến